Phân biệt tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội trộm cắp tài sản
Bài tập tình huống
Khoảng 19 giờ, ngày 13/6/2018 anh Nguyễn Văn A ở huyện T, tỉnh T có đi tham quan ở tỉnh V và có ghé bãi biển, anh A để túi xách ở trên bờ không có ai trông giữ rồi xuống tắm biển, trong túi xách có 01 đồng hồ đeo tay trị giá 125.000.000đ, 01 điện thoại di động có giá trị 15.500.000 đồng, 01 điện thoại di động hiệu Nokia có giá trị 800.000, 40.000.000đ tiền mặt, 02 đôi dép 40.000 đồng. Tổng trị giá tài sản: 141.340.000đ. Lúc này Phùng Xuân M và Trần Văn N đi dọc bờ biển (bắt coòng) thì phát hiện và lấy túi xách nói trên. Khi anh A gọi vào số điện thoại của mình thì M nghe máy và nói “Chìa khoá vứt ở cổng khách sạn” rồi tắt máy. Sau đó, anh A đã có yêu cầu trả lại tài sản nhưng M và N không trả. Vụ án đã được CQĐT Công an huyện T, tỉnh R phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự, quyết định khởi tố bị can M và N đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Sau khi kết thúc điều tra, bản kết luận điều tra số 66/KLĐT ngày 02/10/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T đề nghị truy tố Phùng Xuân M, Trần Văn N về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự.
Hỏi:
Với tình huống nêu trên, anh (chị) hãy cho biết kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T là đúng hay sai? Tại sao? Nêu hướng giải quyết tiếp theo trong trường hợp: Hồ sơ vụ án đang trong giai đoạn truy tố.
Cho biết M, N thỏa mãn các điều kiện về chủ thể của tội phạm “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Đáp án:
1. Cơ quan CSĐT Công an huyện T kết thúc điều tra và đề nghị truy tố M, N về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự là không đúng, không phù hợp với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của M và N gây ra, bất lợi cho họ. Vì bị can M và bị can N lấy tài sản của anh Nguyễn Văn A không có sự lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản của anh A. Bởi lẽ, tài sản của anh A để trên bãi biển không có ai trông giữ trong khi bãi biển vắng người thời gian là lúc 19 giờ, không gian trời tối. Cả hai bị can không nhìn thấy ai kể cả bị hại và anh A cũng không nhìn thấy M và N.
Bị can M và bị can N sau khi nhặt được túi xách của anh A đáng lẽ phải tìm chủ sở hữu để trả lại tài sản hoặc đem nộp cho chính quyền địa phương để xử lý theo thủ tục mà pháp luật quy định. Anh A đã có yêu cầu trả lại nhưng M và N không trả. Như vậy, M, N đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Cụ thể là quyền sở hữu đối với tài sản của anh A. Vì vậy, hành vi của M, N đã cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” quy định tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật hình sự.
2. Hướng giải quyết
Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, có căn cứ xác định hành vi của Phùng Xuân M, Trần Văn N phạm vào tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật hình sự thì báo cáo lãnh đạo ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác theo quy định tại khoản 2 Điều 245 BLTTHS năm 2015.
Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can; VKS kiểm sát quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, xem xét phê chuẩn khởi tố bị can đối với M, N về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Sau khi VKS phê chuẩn, Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi của bị can M, N về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản. Khi đã làm rõ các yêu cầu điều tra bổ sung của VKS, Cơ quan điều tra kết thúc vụ án, đề nghị truy tố bị can M, N về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật hình sự.
Điều 176 Bộ luật hình sự 2015
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 173 Bộ luật hình sự 2015
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.