Tổng hợp bài tập tình huống tội cố ý gây thương tích và giới hạn phòng vệ chính đáng

Bài tập tình huống 1

Ngày 29/4/2018, anh A và chị B đang ngồi chơi tại công viên M thì có C và D đến có hành vi trêu đùa chị B nên anh A đã nói với C và D là đi chỗ khác thì C và D đã lao vào dùng tay đấm vào người anh A. Bị C và D tấn công dồn ép vào tường rào công viên nên anh A rút con dao nhọn đem theo người đâm 01 phát trúng vào đùi của C (hậu quả: Trên đường đi cấp cứu do mất nhiều máu nên C tử vong). Thấy vậy, D bỏ chạy đánh rơi chiếc ví tại hiện trường, anh A đã nhặt chiếc ví cất giữ (trong ví có giấy tờ tùy thân của D và 12.500.000đ). Biết anh A nhặt được ví của mình nên D đã nhiều lần đến gặp anh A yêu cầu được nhận lại chiếc ví cùng giấy tờ tùy thân và 12.500.000đ nhưng anh A cố tình không trả cho D và cũng không giao nộp chiếc ví cho cơ quan chức năng.

Sau khi vụ việc xảy ra Cơ quan điều tra đã trưng cầu kết luận giám định thương tích đối với A và D là 0%.

Hỏi: Trong tình huống này những ai phạm tội? phạm tội gì? vì sao?

Đáp án:

– Đối với hành vi của A dùng dao đâm vào đùi C, do mất nhiều máu nên dẫn đến hậu quả C tử vong. Nhưng do A bị C và D đấm vào người nên A rút con dao nhọn đem theo người chỉ đâm 01 phát trúng vào đùi của C, không phải vùng trọng yếu trên cơ thể. Mặt khác A cũng không mong muốn tước đoạt sinh mạng của C do đó mặc dù C chết nhưng A không phạm tội giết người thep quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự mà ành vi đó của A phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

– Đối với hành vi của A đã nhặt chiếc ví của D và đã cất giữ, D đã nhiều lần đến gặp A yêu cầu được nhận lại chiếc ví cùng giấy tờ tùy thân và 12.500.000đ nhưng A cố tình không trả cho D và cũng không giao nộp chiếc ví cho cơ quan chức năng. Hành vi này của A cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015.

– Đối với C và D: Do C đã chết nên không xem xét xử lý về hình sự hoặc hành chính. Tuy nhiên theo tình huống bài tập đưa ra thì C và D có hành vi đấm vào người anh A nhưng kết quả giám đinh tỷ lệ thương tật là 0%, do đó D không phạm tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này D có hành vi vi phạm trật tự an toàn công cộng và là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của A, do đó Cơ quan điều tra cần chuyển hồ sơ cho Cơ quan có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với D.

Bài tập tình huống 2

Nguyễn Văn A rủ Trần Văn B, Lê Văn C, Nguyễn Văn Đ mang theo dao đến nhà ông Nguyễn Văn H để đánh trả thù, thì tất cả đồng ý. Khi đến cổng, A bảo C và Đ đứng ngoài canh gác, còn A và B trực tiếp vào nhà chém ông H gây thương tật 35%.Viện kiểm sát nhân dân huyện T truy tố A, B, C , Đ về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, Tòa án nhân dân huyện T áp dụng khoản 3 Điều 134, khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo A 06 năm tù, B 04 năm tù. Áp dụng khoản 2 Điều 134, khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo C và Đ mỗi bị cáo 02 năm tù.

Hỏi: Anh (chị) có quan điểm như thế nào về việc xét xử của Tòa án.

Đáp án:

Tòa án nhân dân huyện T xử các bị cáo như trên là đúng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Vì tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng như sau:

1) Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

2) Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt muộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Bài tập tình huống 3

 Anh T và H ở cùng khu phố, có quen biết nhau. Anh T có cho H vay số tiền 1.000.000đ và đã nhiều lần đòi tiền nhưng H không trả. Chiều 14/7/2018, anh T gặp H ở quán bia gần nhà. Anh T đòi tiền nhưng H không trả. Bực tức, anh T chửi và dùng tay đánh 01 nhát vào gáy H. Mọi người can ngăn thì cả 02 đi về. Đến tối, anh T gọi điện cho H hẹn ra quán bia nói chuyện. Khi đi T cầm theo 02 chiếc tuýp sắt phi 21, dài 06cm. Sợ bị T đánh, H cũng cầm theo 01 chiếc tuýp sắt tương tự và giắt vào giá chở hàng của xe mô tô, rồi điều khiển xe đến nơi hẹn gặp T. Khi thấy H từ xa đang đến, thì T lầm tức cầm 02 chiếc tuýp sắt lao về phía H. H dựng xe và bỏ chạy. T đuổi theo, được khoảng 10m thì T cầm 01 chiếc tuýp ném về phía H nhưng không trúng. Lập tức H cúi xuống nhặt chiếc tuýp này, quay lại thấy T đang cầm 1 tuýp sắt còn lại giơ cao đánh vào đầu, H hoảng sợ và dùng 02 tay cầm tuýp sắt, 02 chân nhẩy bật lên vụt 01 nhát trúng đầu anh T (lúc này đuổi sát đến, cách H 1,5m). Hậu quả anh T bị tổn hại 43% sức khỏe.

Tòa án huyện Q mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, áp dụng khoản 3 (theo điểm a khoản 1) Điều 134 Bộ luật hình sự tuyên phạt H 06 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngay sau phiên tòa, H kháng cáo xin giảm hình phạt, T kháng cáo tăng hình phạt.

Hỏi: Anh (chị) hãy đề xuất hướng giải quyết vụ án.

Đáp án:

1. Quyết định của Tòa Q là sai. Lý do: Hành vi của H phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự. Vì T là người chủ động mang theo 02 tuýp sắt để đánh H. Khi thấy H đến, T lập tức cầm 02 tuýp lao ra đuổi đánh H. H bỏ chạy, T đuổi theo đến cùng để đánh được H và đã thực hiện hành vi đánh H là ném tuýp về phía H. Việc không đánh được là ngoài ý muốn của H. Còn H, để tự vệ đã nhặt tuýp đánh lại T, và thực tế, khi đánh lại thì T đã đuổi áp sát cách 1,5m.

2. Hướng xử lý: Sau khi kết thúc phiên Tòa, KSV phát hiện thấy việc tr tố, xét xử H không đúng người , đúng với tội danh do đó báo cáo Lãnh đạo quyết định kháng nghị phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp hết hạn 15 ngày thì KSV báo cáo Lãnh đạo để làm văn bản đề nghị VKS ấp trên trực tiếp làm ăn bản kháng nghị phúc thẩm theo hướng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ điểm b khoản 1 Điều 357 BLTTHS tuyên sửa bản án sơ thẩm theo hướng: H phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự. Áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn đối với H

Bài tập tình huống 4

 Khoảng 15 giờ ngày 01/01/2018,  Trần A (sinh năm: 1980, có 02 tiền án, đã chấp hành xong hình phạt tù, cụ thể: bị TAND Tp. N xử phạt 09 tháng tù  về tội “Cố ý gây thương tích” vào năm 2013 và 12 tháng tù giam về tội “Cướp giật tài sản” vào năm 2015) đang ngồi uống nước với bạn gái tại Quán cà phê của Cô Loan ở thôn T, xã VH, Tp N.  A thấy Phạm B và nhóm bạn cũng ngồi uống nước ở bàn bên cạnh nhìn sang cười. Vì cho rằng nhóm của B nhìn, cười đểu và trước đó không lâu A có mâu thuẫn xích mích nhỏ với B nên A bất ngờ cầm cái ly thủy tinh uống nước tiến đến đánh mạnh vào mặt B rồi bỏ đi, B được nhóm bạn đưa đi cấp cứu.

Ngày 15/01/2018 tiến hành giám định tỷ lệ thương tật của B là 12% và B có đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Ngày 20/01/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố N khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A. Sau khi có kết luận điều tra và đề nghị truy tố của Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TP N có quyết định truy tố A theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Ngày 25/9/2018 Tòa án nhân dân TP N xử phạt A 18 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều khoản  mà VKS đã truy tố.

Anh (chị ) có nhận xét gì về quyết định của HĐXX sơ thẩm?

Đáp án:

A có hai tiền án chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội; phạm tội có tính chất côn đồ thể hiện: Khi thấy anh B và nhóm bạn cùng ngồi uống nước bàn bên cạnh nhìn sang cười, A không tìm hiểu vì sao mà đứng dậy cầm ly thủy tinh đánh vào mặt B rồi bỏ đi, nên việc xử lý A của Tòa án TP N chưa xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng của A, hình phạt chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Do đó KSV THQCT và KSXX phải báo cáo lãnh đạo Viện kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, tăng hình phạt đối với A.

Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.