Phụ lục
Tổng hợp bài tập tình huống tội cướp tài sản, tội trộm cắp tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản
Bài tập tình huống 1
Khoảng 16 giờ ngày 20/8/2018, anh Nguyễn Văn H đang ngồi ở vỉa hè đếm tiền (trong ví có 5.00.000 đồng) thì Trần Văn T (19 tuổi) đi đến giật ví tiền của anh H cho vào túi quần rồi bỏ đi. Anh H đi theo T xin lại tiền thì T bảo đây là tiền của tao và không trả cho anh H. Anh H tức nên cầm đoạn gậy nhặt dưới chân ném về phía T nhưng không trúng. T lập tức nhặt đoạn gậy trên lên vụt 01 nhát vào vai anh H rồi bỏ chạy. Căn cứ vào kết quả điều tra, CQĐT huyện Y đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định tại Khoản 1 Điều 172 BLHS về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. QĐ khởi tố bị can đã đươc VKS cùng cấp phê chuẩn.
Hỏi: Anh (Chị) có nhận xét gì về quá trình giải quyết vụ án nêu trên?
Đáp án:
– CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 172 BLHS năm 2015 ( sửa đổi bổ sung năm 2017), VKSND cùng cấp phê chuẩn QĐ khởi tố bị can là không đúng tội danh.
– Trần văn T phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại KHoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 vì lí do: Hành vi ban đầu của Trần Văn T giật tiền trên tay của anh Nguyễn Văn H rồi bỏ đi có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” vì sau khi lấy tiền của anh H, T không bỏ chạy, chứng tỏ T không sợ anh H hoặc người khác bắt giữ. Tuy nhiên sau đó anh H đi theo T và xin lại tiền nhưng T không trả nên anh H đã nhặt đoạn gậy ném T. Ngay lập tức T nhặt đoạn gậy đó tấn công anh H và đe dọa tiếp tục đánh, nên H sợ hãi phải bỏ chạy, không tiếp tục đòi lại ví tiên nữa. Như vậy, T đã sử dụng vũ lực ngay tức khắc ( dùng gậy nhặt được tấn công lại anh H và đe dọa tiếp tục đánh nếu anh H còn đuổi theo làm cho anh H hoảng sợ không dám đòi lại tiền nữa nhằm mục đích để chiếm đoạt tiền của anh H nên hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành tội”Cướp tài sản” quy định tại Khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 ( trong ví có 5 triệu đồng). Sau khi nhận được hồ sơ và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của CQĐT, KSV được phân công thụ lý THQCT và KSĐT vụ án phải báo cáo với Viện trưởng và đề nghị trả hồ sơ cho CQĐT để thay đổi quyêt định khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ Điều 172 BLHS sang Khoản 1 Điều 168 BLHS để tiến hành điều tra và KSV tiếp tục thực hiện nhiệm vụ THQCT và kiểm sát điều tra theo tội danh đã khởi tố.
Bài tập tình huống 2
P là thợ sơn được thuê hoàn thiện nhà riêng cho một gia đình. Trong thời gian làm việc P để ý thấy gia đình đối diện không làm lưới bảo hiểm ban công, trong khi khoảng cách giữa hai nhà khá gần. Một đêm thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công P đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Trong lúc lục tìm thêm tài sản, P gây ra tiếng động và bị G (chủ nhà) phát hiện, G giật lại chiếc túi của mình sau đó P đạp mạnh vào bụng G làm G bị ngất rồi cầm chiếc túi xách bỏ trốn.Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 20 triệu đồng
Hỏi:
1. P phạm tội trộm cắp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng là “Hành hung để tẩu thoát” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS hay phạm tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS? Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm trong tình huống này?
2. Nếu G sau đó được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu và bị tổn hại sức khỏe 25% thì tội danh của P có gì thay đổi không?
Đáp án:
P phạm tội cướp tài sản theo quy định tại điều 133 BLHS chứ không phải tội trộm cắp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng là “Hành hung để tẩu thoát” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS:
Theo thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS 1999.
Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.
Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
Nếu G bị tổn hại sức khỏe 25% thì P phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng quy định ở điểm đ Điều 133 BLHS đó là: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.
Bài tập tình huống 3
Buổi tối ngày 20/12/2016 trên đường đi uống rượu từ nhà bạn về nhà mình, do quá say rượu nên anh B đã đỗ xe máy ở rìa đường để ngủ. Một lúc sau C và D đi xe máy qua, thấy anh B nằm ngủ say, C và D đã bàn nhau lấy chiếc xe của anh B đem đi bán lấy tiền ăn tiêu. D mở khóa xe của anh B ( chìa khóa vẫn cắm ở ổ khóa), rồi cả hai mỗi người một xe đi về nhà C. Sáng hôm sau, C và D đem bán chiếc xe của anh B được 10 triệu đồng chia nhau ăn tiêu. Có ba ý kiến về xác định tội danh đối với C và D đó là:
1. C và D phạm tội cướp tài sản.
2. C và D phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
3. C và D phạm tội trộm cắp tài sản.
Hỏi: Đồng chí hãy cho biết trong ba ý kiến trên ý kiến nào là đúng? Vì sao?
Đáp án:
1. Đối với tội cướp tài sản.
– Khách thể: xâm phạm vào quyền sở hữu, ngoài ra còn xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm vào tính mạng, sức khỏe của người khác. Trong vụ án này anh B chỉ bị xâm phạm quyền sở hữu, không bị xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe.
– Mặt khách quan: Người phạm tội phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này C và D không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với anh B. Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được trong mặt khách quan của tội cướp tài sản phải do người thực hiện hành vi phạm tội bằng mọi cách thức thủ đoạn đưa nạn nhân vào tình trạng không quản lý được tài sản; trong vụ án này C và D không dùng cách thức thủ đoạn gì đưa anh B vào tình trạng không quản lý được tài sản.
Vì vậy, C và D không phạm tội cướp tài sản.
2. Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. 6đ
Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với các tội chiếm đoạt khác là dấu hiệu ở mặt khách quan. Người phạm tội lợi dụng tình trạng người quản lý tài sản không có khả năng ngăn cản để công khai chiếm đoạt tài sản của họ, nghĩa là người bị hại biết bị chiếm đoạt tài sản nhưng không thể ngăn cản được vì những lý do khách quan. Trong vụ án này anh B hoàn toàn không biết C và D chiếm đoạt tài sản của anh. Do vậy C và D không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
3. Hành vi của C và D phạm tội trộm cắp tài sản, bởi lẽ: 7đ
– Khách thể: C và D đã xâm phạm vào quyền sở hữu chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng của anh B.
– Mặt khách quan: C và D đã có hành vi lén lút, bí mật đối với anh B và những người khác (tất nhiên đối với những người không có trách nhiệm quản lý tài sản không phải là dấu hiệu bắt buộc); đã chiếm đoạt chiếc xe máy của anh B và đem đi tiêu thụ được 10 triệu đồng và cùng ăn tiêu.
– Mặt chủ quan: C và D thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, động cơ vụ lợi cá nhân.
– Chủ thể: C và D đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội trộm cắp tài sản, nên trong vụ án này C và D phạm tội trộm cắp tài sản.
Điều 168 BLHS 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017)
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 172 BLHS 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017)
Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
đ) (được bãi bỏ)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.