Bài tập tình huống tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015

Bài tập tình huống

Ngày 04/02/2018 Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn B và Trần Văn E đang có hành vi đánh bạc bằng hình thức ăn thua bằng tiền, hình thức chơi là bài lá thì bị bắt quả tang cùng tang vật. Tổng số tiền để đánh bạc là 4.950.000đ.

Qua xác định được ngày 02/02/2018 A, B, D, E còn đanh bạc với tổng số tiền dùng để đánh bạc là 4.500.000đ.

Anh, (chị) hãy cho biết, hành vi của: A, B, D, E có cấu thành tội đánh bạc theo Điều 321 Bộ luật hình sự 2015?

Đáp án:

Tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi đánh bạc trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ 5.000.000đ  hoặc dưới năm triệu đồng nhưng  đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luât này, hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của bộ luật này , chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20.000.000đ ddến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2010NQ-HĐTP do Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành ngày 22/10/2010 xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần lần đánh bạc để xem xét, cụ thể trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của từng lần dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 theo quy định Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự ( đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

Như vậy, trong trường hợp này A,B,D,E đã đánh bạc hai lần khác nhau, nhưng mỗi lần không quá 5.000.000đ , cả 4 người đều chưa bị xử phạt hành chính, chưa bị kết án về tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hay gá bạc chưa được xoán án tích mà còn vi phạm, do đó A, B,D,E không phạm tội đánh bạc. CQĐT cần chuyển cho Cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điều 322 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.