Phụ lục
Bài tập tình huống tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội cướp tài sản và tội chiếm đoạt tài sản
Bài tập tình huống 1
Do thường xuyên bị mất trộm hoa quả trong vườn nhà nên Hoàng Tuyên H đã dùng dây kim loại trần mắc quanh vườn nhà mình và đấu nối với điện sinh hoạt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài vào. Mỗi góc vườn ông H có treo biển cảnh báo nguy hiểm và thông báo với hàng xóm xung quanh. Ngày 15/2/2018 Đào Thị B đang có thai 04 tháng tuổi ở xã bên cạnh đi làm về, khi đi sát vườn nhà H thì bị điện giật chết do chạm vào dây điện mà ông H giăng ở quanh vườn.
Hỏi: Với tình huống trên thì ông H có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự? Tại sao?
Đáp án:
Với hành vi trong tình huống trên của Hoàng Tuyên H thì H phạm tội Giết người theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Vì đã có hành vi dùng dây kim loại trần mắc quanh vườn nhà mình và đấu nối với điện sinh hoạt nhằm chống mất trộm hoa quả, mặc dù có treo biển cảnh báo nguy hiểm và thông báo cho những người xung quanh biết những đã gây ra cái chết cho chị B. Mặt khác, vì hành vi của H là hành vi trái pháp luật đã vi phạm khoản 1 Điều 32 Nghị định 169/2003 ngày 24/12/2003 về an toàn điện.
Khoản 1 Điều 32 Nghị định 169/2003/NĐ-CP ngày 24/12/2003 quy định:
“Điều 32. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm các quy định về an toàn điện sau đây:
1. Sử dụng điện làm phương tiện để bảo vệ tài sản cá nhân hoặc phục vụ cho mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống, gây sự cố làm thiệt hại tài sản Nhà nước, tài sản công dân như: chống trộm, bẫy chuột, đánh cá, bảo vệ hoa màu.”
Khi H dùng dây kim loại trần mắc quanh vườn nhà mình nối với điện sinh hoạt nhằm ngăn cản sự xâm nhập từ bên ngoài vào trộm cắp hoa quả, H biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người (thể hiện ở việc H có treo biển cảnh báo nguy hiểm và thông báo với hàng xóm xung quanh).
H quấn dây quanh vườn nhà để chống trộm là đã nhằm vào đối tượng là con người, mặc dù không nhằm vào người cụ thể nào và không mong muốn cho hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra(04 điểm), và trên thực tế chị B đang có thai 04 tháng tuổi ở xã bên cạnh đi đánh bắt cua cá khi đến sát vườn nhà H thì bị điện giật chết do chạm vào dây điện mà C giăng ở quanh vườn.
Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ hướng dẫn: đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.
Do vậy, Trong trường hợp này H phạm tội Giết người với lỗi cố ý gián tiếp. H không nhằm trực tiếp vào chị B, không biết chị B có thai nên không phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015. Do đó hành vi giết người của H phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
Bài tập tình huống 2
B và chị M có quan hệ tình cảm yêu đương. B rủ chị M đi chơi rồi quan hệ tình dục, sau đó vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, B dùng tay bóp cổ, dùng áo chống nắng xiết cổ chị M. Thấy chị M còn sống, B tiếp tục dùng đá đập nhiều nhát vào đầu chị M cho đến khi chết mới thôi. Sau đó, B chiếm đoạt chiếc điện thoại di động của chị M. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2019/HSST ngày 02/6/2019, Tòa án nhân dân tỉnh H đã áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 123; Điểm d Khoản 2 Điều 168; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Điểm e Khoản 1 Điều 52, Điều 55 Bộ luật hình sự; Xử phạt B 16 năm tù về tội “Giết người”, 07 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 02 tội là 23 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hỏi: Kháng cáo của bị cáo có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt hay không?
Anh (chị) có nhận xét gì về bản án hình sự sơ thẩm số 17/2019/HSST ngày 02/6/2019 và hướng giải quyết vụ án.
Đáp án:
Hành vi phạm tội của B là quyết liệt, hung hãn cao độ, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người khác. Thể hiện ở chỗ: Mặc dù B và chị M có quan hệ yêu đương nhưng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt sau khi quan hệ tình dục sau một lần đi chơi nhưng B đã dùng tay bóp cổ, sau đó dùng áo chống nắng siết cổ chị M cho đến chết. Tuy nhiên khi thấy chị M vẫn còn sống, B đã dùng đá đập vào đầu chị M cho đến khi chết hẳn.Ngay sau khi giết chị M, B đã chiếm đoạt luôn chiếc điện thoại của chị M. Như vậy hành vi của B không chỉ thực hiện mục đích giết người mà liền sau đó còn thực hiện hành vi cướp tài sản – Một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác mà có mức cao nhất của khung hình phạt là chung thân. Tuy nhiên khi xét xử cấp sơ thẩm đánh giá hành vi của B với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” và “cố tình phạm tội đến cùng”. Bản án sơ thẩm bỏ lọt tình tiết tăng nặng “Giết người mà trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” được quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự đối với bị cáo dẫn đến chưa đánh giá đúng tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo đã gây ra, từ đó xử phạt bị cáo mức án 16 năm tù là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo.
Vì vậy KSV được phân công THQCT và KSXX vụ án phải báo cáo với lãnh đạo Viện để làm văn bản kháng nghị bản án trên theo trình tự phúc thẩm.
Bài tập tình huống 3
Do có mẫu thuẫn trong kinh doanh nên A nhờ B đánh M để trả thù, A hứa sẽ cho tiền B tiêu xài thì B đồng ý. Khi đi tìm đánh M, B mang theo một con dao nhọn giấu vào người. Gặp M vừa đi làm về đến nhà, B xông vào dùng dao mang theo đâm vào vùng ngực của M chảy máu. Thấy vậy N (em ruột M) chạy đến hỗ trợ, thì bị B đâm vào vùng bụng N gây thương tích rồi bỏ chạy. Hậu quả làm M tử vong do vết thương gây thủng tim; còn N bị thương với tỉ lệ thương tật 35%.
Trên cơ sở kết quả điều tra, VKS truy tố A, B về tội “Giết người” theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 và truy tố thêm B về tội “ Cố ý gây thương tích” theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Nhưng HĐXX cho rằng A chỉ nhờ B đánh M, B giết M là vượt quá phạm vi thỏa thuận nên đã xét xử B về tội “Giết người” và tội “cố y gây thương tích”; Riêng A thì HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 để xử phạt.
Anh (chị) hãy nhận xét về quyết định truy tố về bản án và hướng giải quyết vụ án ?
Đáp án:
– Về quyết định truy tố:
Hành vi B dùng dao (là hung khí nguy hiểm) đi tìm đánh M. Khi gặp M, B xông vào đâm một nhát vào vùng ngực (đây là vùng xung yếu có khả năng dẫn đến chết người) hậu quả làm M tử vong do vết thương gây thủng tim. hành vi của B là cố ý tước đoạt tính mạng của người khác nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “giết người”. Đối với A, trong vụ án này A nhờ B đánh M để trả thù nhưng không có sự thoả thuận sẽ đánh M như thế nào, nghĩa là A chấp nhận hậu quả do hành vi đánh M của B gây ra. Do đó, A và B là đồng phạm với nhau về tội giết người. Mặc khác, A hứa sẽ cho B tiền sau khi đánh M thì B đồng ý. Vì vậy, A, B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Do đó, VKS truy tố A, B về tội “Giết người” theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội.
Đối với hành vi B đâm N, tỷ lệ thương tật 35%. Khi B dùng dao xông vào đâm M thì N (em của M) chạy đến hỗ trợ, B đâm vào vùng bụng của M gây thương tích rồi bỏ chạy. B nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra, “sống cũng được mà chết cũng được”, thể hiện qua việc B đâm M gây thương tích xong rồi bỏ chạy, trong trường hợp này hậu quả tới đâu thì xử lý tới đó. Ngoài ra, A chỉ nhờ B đánh M để trả thù, việc B dung dao đâm N là vượt quá thỏa thuận nên A không phải chịu tránh nhiệm về hành vi vượt quá của B. Vì vậy, hành vi của B đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích quy định tại Khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Do đó, việc VKS truy tố và TA xét xử B về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội.
– Đối với Bản án, HĐXX đã xét xử B về tội: “giết người” theo điểm m, khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự và tội: “cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật. Đối với A thì HĐXX áp dụng khoản 1, Điều 134 là không phù với với tình chất mức độ, cũng như tình tiết của vụ án.
– Hướng xử lý:
– Viện kiểm sát cần kháng nghị bản án theo trình tự phúc thẩm theo hướng áp dụng điều, khoản về tội nặng hơn đối với A, cụ thể là tội: “giết người” quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự và tăng hình phạt. Đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm a, khoản 2, Điều 357 BLTTHS sửa bán án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt đối với A về tội giết người theo điểm m, khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.
– Nếu không có kháng nghị, kháng cáo theo hướng áp dụng điều, khoản về tội nặng hơn và tăng hình phạt đối với A mà có kháng cáo, kháng nghị khác thì HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm đ, khoản 2, Điều 358 BLTTHS huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Bài tập tình huống 4
Do có mâu thuẫn từ trước nên vào lúc 23 giờ ngày 07/6/2018, khi Nguyễn Tấn B đang ngủ trong chòi ở sân Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân tại xã Đ, huyện C, tỉnh N thì Phạm Văn D đến gây sự và đánh B. Sau đó, D bỏ đi về nhà. Sau khi bị đánh, do sợ D quay lại đánh tiếp nên B chạy vào kho để vật tư kêu Nguyễn Thanh H là bạn làm thợ hồ thức dậy để đi về nhà tại thị xã T. Khi H vừa thức dậy đứng ở cửa thì D cầm dao từ ngoài chạy vào, tưởng H là B nên D cầm dao đâm thẳng vào người H, ngay lập tức H chụp lấy cây sắt dài 50 cm, đường kính 0,8 cm đâm vào hông trái D 01 cái làm thủng phổi dẫn đến tử vong. Qua kết quả khám nghiệm hiện trường xác định được tại nhà kho vật tư nơi H đứng có ánh sáng mờ, không nhìn thấy rõ. Thu giữ được con dao D sử dụng có kích thước dài 30 cm, mũi nhọn, bề rộng dao 3 cm. Ngày 10/6/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh H về tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị phê chuẩn.
Hỏi: Là Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án, anh (chị) giải quyết tình huống trên như thế nào?
Đáp án:
– Trong tình huống trên, mặc dù H sử dụng thanh sắt dài hơn con dao mà D đã sử dụng làm hung khí, nhưng trong vụ án này D là người cầm dao đâm thẳng vào người H trước, trong lúc H vừa ngủ dậy, mặc dù chưa gây ra hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của H, nhưng đã trực tiếp đe dọa đến tính mạng. Mặt khác, tại thời điểm xảy ra vụ án là ban đêm, ánh sáng đèn điện ở ngoài đường và sân xung quanh hiện trường không đủ sáng để H có thể nhận biết được hung khí mà D đang sử dụng là loại hung khí gì, mức độ nguy hiểm ra sao, nên không thể nói H sử dụng hung khí không tương xứng với hung khí mà D sử dụng, việc H dùng thanh sắt chống trả lại D là chỉ nhằm mục đích ngăn chặn hành vi tấn công của D đang trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của H, nên hành vi đó được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Căn cứ khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự, hành vi của H không phải là tội phạm. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh H về tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự là không có căn cứ và không đúng pháp luật.
– Là Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án, căn cứ điểm h khoản 2 Điều 41, khoản 2 Điều 157 và Điều 158, Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất, tham mưu Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKSND tỉnh N ra các quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N đối với Nguyễn Thanh H, đồng thời yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của Nguyễn Thanh H
Điều 123 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.