Tổng hợp bài tập tình huống tội trộm cắp tài sản, đồng phạm tội trộm cắp tài sản và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Bài tập tình huống 1

Khoảng 18 giờ ngày 25/11/2008, A đi xe máy của gia đình chở B đi chơi rồi rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Đến một quán bán đồ điện, A mua 01 chiếc tuốc nơ vít dài khoảng 30cm và 01 chiếc cà lê dài khoảng 17cm đưa cho B để phá khóa xe máy. A chở B đi lòng vòng một lúc thì thấy có 2 chiếc xe máy dựng trước cửa nhà anh C. Nên A dừng xe đợi ở ngoài canh gác, B vào dùng tuốc nơ vít phá khóa xe máy Jupiter. Thấy có người lại gần, A do sợ hãi nên phóng xe về nhà. Sau khi lấy được xe, B tháo gương, thay bằng biển số giả rồi đem chiếc xe trên đến gửi tại phòng trọ của T, và thông báo cho T có biết đây là chiếc xe trộm cắp được.Chiếc xe được định giá là 19.000.000đ

CQĐT Công an huyện Y đã ra quyết định khởi tố bị can B về tội trộm cắp tài sản và T về tội đồng phạm với B với vai trò người giúp sức. ( không khởi tố C về đồng phạm của tội trộm cắp tài sản vì lí do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội).CQĐT đã đề nghị VKS cùng cấp phê chuẩn QĐ khởi tố bị can.

Hỏi: Là KSV đươc phân công THQCT và KSĐT vụ án nói trên anh (chị) hãy đề xuất hướng giải quyết vụ án?

Đáp án:

– Theo như tình huống của vụ án đưa ra thì CQĐT không khởi tố C về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự với vai trò đồng phạm, với lý do C tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là không đúng quy định của pháp luật

Vì lý do: Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự thì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Còn trong trường hợp này C đứng ngoài canh gác do có người khác đi đến gần, sợ bị phát hiện nên C đã bỏ đi, do đó không thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội để được miễn trách nhiệm hình sự.

– CQĐT phải khởi tố C về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm với H vì lí do:

+ Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu đó là: Thứ nhất, có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Thứ hai, những người này phải cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm, hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm. Xét trong tình huống trên, C và H có đầy đủ những dấu hiệu về mặt khách quan của đồng phạm.

+ Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Vấn đề đồng phạm chỉ được đặt ra khi tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Như vậy, ở trong tình huống này, hành vi trộm cắp của C và H được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích vụ lợi. Cả 2 đã cố ý cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe máy Jupiter trị giá 19.000.000 đồng. Dù biết rõ hành vi của mình là xâm phạm tới quyền sở hữu đối với tài sản của người khác nhưng hai người vẫn cố tình thực hiện.

Từ sự phân tích trên cho thấy: C và H bị coi là đồng phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015.

– Việc khởi tố T về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức theo quy định tại Điều 17 BLHS là chưa đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ: Người giúp sức có thể là giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần. Giúp sức về vật chất là những hành vi cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm thuận lợi hơn. Giúp sức về tinh thần là những hành vi không cung cấp vật chất nhưng tạo cho người thực hành thực hiện tội phạm có những điều kiện dễ dàng hơn như chỉ dẫn, góp ý kiến. .. Áp dụng vào tình huống này, nếu khi đến gửi xe tại phòng trọ của T, H có nói cho T biết đây là xe vừa trộm cắp được, T cho H gửi xe thì thì T không bị coi là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản với vai trò là người giúp sức. Bởi lẽ, hành vi giúp sức thực chất là việc tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người khác vốn đã có ý định phạm tội hoặc làm cho người đó yên tâm thực hiện tội phạm. Vì vậy mà hành vi giúp sức chỉ có thể được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào hành động hoặc khi tội phạm đang tiến hành. Trong khi đó, chỉ khi đến phòng trọ của T thì H mới cho T biết đây là chiếc xe máy vừa trộm cắp được. Trước đó T không biết gì về việc phạm tội của H. Lúc đến phòng trọ của T, H đã thực hiện xong tội phạm. Rõ ràng T không hề có một hành vi nào giúp sức về vật chất hay tinh thần cho H. Theo tinh tiết trên thì T phạm tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật hình sự 2015.

– Với các tình tiết nêu trên, KSV phải báo cáo với Viện trưởng đề xuất làm văn bản trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung theo hướng khởi tố bổ sung bị can C  về đồng phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015; khởi tố T về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự và hủy bỏ quyết định khởi tố T về tội trộm cắp tài sản.

Bài tập tình huống 2

Vào khoảng 17 giờ sáng ngày 23/5/2018, Nguyễn Hữu Thảo đi xe buýt từ Tp. T lên huyện R nhưng khi đến địa phận xã TR huyện R, do không còn tiền nên Thảo xuống xe buýt và đi bộ. Khi đi bộ được 7 km, Thảo phát hiện sân nhà chị Ngọc có 2 xe mô tô dựng cạnh nhau, trong đó có 1 xe mô tô có chìa khóa cắm ở trên ổ khoá xe. Sau khi quan sát thấy nhà chị Ngọc không có người nên đã lẻn vào trộm cắp chiếc xe mô tô trên (chiếc xe được định giá là 18.500.000 đồng). Khi Thảo đang tìm cách tiêu thụ tài sản trộm cắp thì Thảo bị anh Diện (chồng chị Ngọc) phát hiện và định bắt giữ Thảo, lập tức Thảo rút dao dọa chém và yêu cầu Diện đứng im, rồi Thảo đề máy xe tẩu thoát.

Ngày 01/06/2018, Cơ quan CSĐT – Công an huyện R ra quyết định khởi tố vụ án, khởi bị can  đối với Thảo về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm đ, khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015. Trong cùng ngày, Cơ quan CSĐT – Công an huyện R chuyển tài liệu và hồ sơ vụ án  cho VKSND cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn quyết định khưởi tố bị can.

Hỏi: Là KSV được phân công thụ lý và THQCT cụ án anh (chị) hãy phân tích vụ án và nêu hướng cần giải quyết tiếp theo đối với vụ án theo quy định của Bộ luật TTHS 2015 (nếu có)?

Đáp án:

Phân tích vụ án: Trong vụ án này, Thảo đã thực hành vi trộm cắp tài sản nhưng không bị ai phát hiện và truy đuổi, như vậy tội phạm đã hoàn thành, đến khi đi tiêu thụ Thảo mới bị anh Diện chồng chị Ngọc phát hiện và định bắt nên Thảo dùng dao đe doạ anh Diện, yêu cầu anh Diện đứng im nếu không bị chém. Hành vi này của Thảo nhằm mục đích để anh Diện không bắt giữ được Thảo chứ không phải hành vi hành hung để tẩu thoát.  Do vậy, hành vi của Thảo phạm vào tội: “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật hình sự 2015. Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện R ra quyết định khởi tố bị can đối với Thảo về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điểm đ khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 là không đúng với hành vi phạm tội của Thảo.

Hướng giải quyết tiếp theo: Căn cứ theo khoản 2 , Điều 14 Quy chế 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong vụ án trên tuy hành vi của Thảo phạm vào tội hành vi của Thảo phạm vào tội: “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, CQĐT Công an huyện R ra quyết định khởi tố bị can đối với Thảo về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điểm đ khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 nhưng việc khởi tố bị can đối với Thảo vẫn trong cùng 1 điều luật nên không phải thay đổi quyết định khởi tố bị can. Do vậy, Viện KSND huyện R chỉ cần phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Thảo của Cơ quan CSĐT – Công an huyện R.

Bài tập tình huống 3

Nội dung: Ngày 01/4/2011, Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng sang Tòa án huyện A để xét xử bị can Nguyễn Văn X về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị can X bị áp dụng biện pháp tạm giam. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nhận thấy các chứng cứ có trong hồ sơ cho thấy hành vi của X không cấu thành tội phạm. Ngày 10/5/2011, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do cho X.

Hỏi: Việc ra các quyết định tố tụng trên đây của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa là đúng hay sai? Tại sao?

Đáp án:

1. Đối với việc Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án khi xét thấy hành vi của T không cấu thành tội phạm.

– Xác định hành vi của T không cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 107 BLTTHS, không thuộc trường hợp Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án (05 điểm)

– Theo quy định tại Điều 180 BLTTHS năm 2003, thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5 và 6 Điều 107 của BLTTHS. (03 điểm)

– Việc Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi nhận thấy hành vi của T không phạm tội là sai. (02 điểm)

2. Đối với việc Thẩm phán ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do cho T.

– Theo quy định tại đoạn 1 Điều 177 BLTTHS năm 2003, thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc phó Chánh án. (04 điểm)

– Theo hướng dẫn tại điểm E tiểu mục 2.2 Mục 2 về Điều 177 BLTTHS năm 2003- Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, thì trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5 và 6 Điều 107 của BLTTHS …, thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do ngay cho bị can, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác. (04 điểm)

– Xác định Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do cho T là sai. (02 điểm)

Bài tập tình huống 4

Hồi 8h00, ngày 23/5/2011, Nguyễn Văn A (sinh năm 1987), trú tại xã X, huyện S, tỉnh H đến cửa hàng của anh Nguyễn Văn B ở khu chợ xe máy phố C lấy trộm xe máy loại Honda. Khi Nguyễn Văn A vừa nổ máy cho xe chạy khoảng 200m thì bị Công an phường T, quận G, tỉnh H  bắt quả tang và thu giữ tang vật. Tại Công an phường, A khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, nên cùng ngày Công an phường T đã trao trả lại xe mô tô cho anh B quản lý và sử dụng.

Qua điều tra mở rộng vụ án, A còn khai nhận ngoài hành vi trên thì 20/5/2011 thì A và Nguyễn Văn Q (sinh năm 1988) ở cùng nhà trọ với A, còn lấy trộm của người khách đi xe Buýt 01 chiếc cặp số bên trong có 20.000.000đ, 01 máy xách tay và 01 bọc nilon màu đen. Sau khi lấy được tài sản thì A và Q chia nhau mỗi người số tiền 10.000.000đ, đối với máy tính xách tay A đưa cho Q cất giữ còn bọc nilon vứt bỏ gần nhà trọ, cả hai về nhà trọ ngủ. Sau đó Q nghĩ rằng bên trong bọc nilon là thuốc phiện nên quay lại mang về nhà cất giấu.

Căn cứ vào lời khai của A , ngày 24/6/2011 Công an phường T tiến hành khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Q thu giữ được số tang vật trên.

Anh, (chị) hãy cho biết:

-Là kiểm sát viên được giao thụ lý giải quyết vụ án trên, anh (chị) phải làm gì?

-Với tình tiết nêu trên thì Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn Q có dấu hiệu phạm tội gì? Tại sao?

Đáp án:

Theo quy định tại Điều 82 và Điều 143 BLTTHS thì Thủ trưởng, phó thủ trưởng CQCSĐT các cấp có thẩm quyền ra lệnh khám xét khẩn cấp, khám xét chỗ ở, các lệnh trên phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp. Việc Công an phường T khám xét chỗ ở của Q là sai. KSV đề xuất lãnh đạo Viện yêu cầu CQĐT quận G trả tự do ngay đối với Q.

Việc khám xét và thu giữ vật chứng của Công an phường là không đúng thẩm quyền, song không thể tiến hành khám xét lại nên cần yêu cầu CQĐT củng cố tài liệu, xác minh chứng cứ; ghi lời khai của A để làm rõ bọc nilon màu đen, tiến hành cho A nhận dạng bọc nilon và ghi lời khai Q mô tả đặc điểm bọc nilon.

+ Yêu cầu CQĐT – Công an quận G tiến hành điều tra xác minh đối với hành vi bắt người quả tang; Ghi lời khai của người bị hại, lời khai của Nguyễn Văn A và trưng cầu định giá tài sản chiếc xe máy, xác minh rõ nhân thân của A, qua kết quả định giá tài sản nếu trên 2.000.000 hoặc dưới 2.000.000đ nhưng A có tiền án, tiền sự chưa được xóa thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội TCTS theo Đ 138 BLHS. Nếu kết quả định giá tài sản dưới 2.000.000đ mà chưa có tiền án, tiền sự thì chưa ra Quyết định khởi tố vụ án và bị can.

+ Đối với việc A khai nhận ngày 20/5/2011 đã cùng Q trộm cắp tài là chiếc cặp số cần yêu cầu xác minh làm rõ; Ai là người quản lý chiếc cặp số. Trưng cầu định giá chiếc máy tính xách tay, trưng cầu giám định xác định vật chứng thu được tại nhà Q có phải là ma túy hay không? Trong lượng là bao nhiêu?. Kết quả giám định xác định trọng lượng ma túy tương ứng với khoản nào của Điều 194 thì khởi tố vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy tại khoản tương ứng, nếu trọng lượng ma túy dưới định lượng tại khoản 1 Điều 194 BLHS, xác minh Q nếu chưa có tiền án, tiền sự về tội quy định tại Điều 194 thì không khởi tố vụ án theo khoản 1 Điều 194 BLHS.

Kết quả xác minh được người quản lý chiếc cặp thì khởi tố vụ án về tội trộm cắp tài sản. Đồng thời đấu tranh làm rõ hành vi cất dấu ma túy của người quản lý chiếc cặp.

+ Với những tình tiết nêu trên thì Nguyễn Văn A có dấu hiệu tội trộm cắp tài sản; Nguyễn Văn Q có dấu hiệu tội trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy. Vì A và Q có hành vi chiếm đoạt chiếc cặp của khách đi trên xe buýt được 20.000.000đ, sau đó còn chiếm đoạt chiếc xe máy bị bắt quả tang; khi thực hiện chiếm đoạt chiếc cặp thì A không biết trong đó có ma túy nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội này mà Q phải chịu trách nhiệm độc lập về tội quy đinh tại Điều 194 BLHS (Nếu giám định bọc nilon có đựng chất ma túy).

Bài tập tình huống 5

Nguyễn Văn D-SN: 21/5/2000, Phạm Văn E-SN: 16/9/2000, Trần Văn X-SN: 17/4/1999 đã có sự bàn bạc, nghiên cứu để cùng nhau đột nhập vào nhà anh Đào Văn Z để trộm cắp tài sản. Khoảng 9h ngày 15/3/2015 D,E,X đã đột nhập vào nhà anh Z, sau 10 phút lục soát không phát hiện được tài sản gì có giá trị thì  X nói với E và D: “về thôi, không Z sắp đi làm về rồi, tao về trước đây”. Nói xong X trèo qua tường nhà Z bỏ về trước. Khi X đã về D bảo E cùng xuống bếp lục soát thì phát hiện ra 1 bọc tiền trị giá 60 triệu đồng được cất trong cót thóc, D liền cầm số tiền này bỏ vào trong người, sau đó cùng E đi ra góc vườn để trèo tường ra ngoài. Khi E dẫm lên vai D trèo lên bờ tường và chuẩn bị kéo D lên trên tường thì Z đi làm về phát hiện và hô hoán mọi người. Thấy vậy E nhảy xuống đường và chạy thoát, D chạy vào trong bếp nhà anh Z lấy 01 dao bầu cầm ở tay phải bỏ cọc tiền vào trong người. Khi anh Z và mọi người mở cửa vào nhà thì thấy D tay cầm dao nói: “để cho tôi đi, nếu ai cản trở tôi sẽ chém chết”. Anh Z vẫn xông vào túm D đồng thời phát hiện và giằng lại bọc tiền trong người D, lúc này D giơ dao lên dọa chém, thấy vậy anh Z  buông C ra và lùi lại để cho D chạy thoát và mang theo 60 triệu đồng.

Hỏi: Anh chị hãy cho biết trong tình huống nêu trên D,E,X phạm tội gì? Tại sao?

Đáp án:

– X tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
– E phạm tội trộm cắp tài sản vì hành vi lén lút
– D phạm tội cướp tài sản vì hành vi có biến chuyển từ lén lút sang dùng hung khí đe dọa cướp tài sản
– Khi xét định khung hình phạt phải xét đến yếu tố D, E, X đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi.