Bài tập tình huống về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015

Bài tập tình huống

Anh Bùi Minh Tiến có 5 gian ki ốt xây dựng ngay mặt đường để bán hàng tạp hóa, phía sau các gian ki ốt này là nhà ở được xây 3 tầng, ngôi nhà này xây cách các gian ki ốt 3,5 mét và lợp mái tôn từ tầng 1 liền vào 2 gian ki ốt. Do có mâu thuẫn với anh Bùi Minh Tiến, Nguyễn Phạm Lê, sinh năm 1960 đã nảy sinh ý định đốt ki ốt bán hàng của nhà anh Tiến để hủy hoại hàng hóa bên trong. Khoảng 01 giờ ngày 18/6/2018, Lê mang 1,5 lít xăng đổ vào trong ki ốt nhà anh Tiến rồi bật lửa đốt. Khi thấy lửa đã cháy, Lê bỏ chạy về nhà. Khi vừa chạy qua đường thì các anh, chị Đinh Văn Ký, Đỗ Xuân Thư đi chơi về qua phát hiện hô hoán mọi người chữa cháy và đưa 03 người ngủ trong nhà tại tầng 2 ra ngoài. Hậu quả thiệt hại tài sản trị giá trên 02 tỷ đồng, anh Tiến do nhảy từ hiên tầng 2 xuống mái tôn của ki ốt bị bỏng tổn hại 6% sức khỏe, trong khi trèo thang bê nước dập lửa Tiến bị ngã gãy tay trái tổn hại 13% sức khỏe, rách gót chân trái tổn hại 8%, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 25%. Những người khác (3 người) không có thương tích.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh H khởi tố vụ án và bị can đối với Nguyễn Phạm Lê về tội Hủy hoại tài sản, theo Điều 178 Bộ luật hình sự. Thấy phức tạp, khó khăn trong đánh giá, định tội danh. Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh H họp nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau:

– Ý kiến thứ nhất cho rằng bị can ngoài phạm tội Hủy hoại tài sản còn phạm tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.

– Ý kiến thứ hai cho rằng bị can chỉ phạm tội Hủy hoại tài sản.

– Ý kiến thứ ba cho rằng bị can phạm tội Hủy hoại tài sản và tội Giết người, theo Điều 123 Bộ luật hình sự.

Anh/chị hãy phân tích để định tội danh đối với vụ án trên.

Đáp án:

– Xác định tính chất, mức độ.
– Đánh giá lỗi.
– Xem xét khách thể bị xâm hại.
– Xem xét mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và hậu quả và kết luận.

Hành vi sử dụng xăng là chất dễ cháy để đốt ki ốt liền kề với nhà ở vào khoảng 01 giờ sáng khi gia đình anh Tiến đang ngủ là rất nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của những người trong gia đình anh Lê. Thực tế hậu quả thiệt hại về tài sản có giá trị trên 02 tỷ đồng và thiệt hại về sức khỏe của anh Tiến tổng tổn hại sức khỏe 25% (trong đó 6% khi nhảy khỏi đám cháy).

Sau khi đốt cháy Nguyễn Phạm Lê bỏ đi thể hiện thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy. Như vậy, lỗi của Lê trong tội Huỷ hoại tài sản là cố ý trực tiếp và lỗi đối với thương tích của anh Tiến là lỗi cố ý gián tiếp.

Trong vụ án, cùng một hành vi phạm tội của Lê đã xâm hại đến hai khách thể (quyền sở hữu về tài sản và quyền nhân thân), trong đó xâm hại về quyền sở hữu là mục đích phạm tội của Lê thuộc khách thể trực tiếp cơ bản (Tội Hủy hoại tài sản Điều 178 Bộ luật hinh sự). Xâm hại quyền nhân thân (tổn hại 6% sức khỏe) là khách thể phụ (cố ý gián tiếp, không có ý định gây thương tích) nên xem xét để tổng hợp về lỗi, quyết định hình phạt và bồi thường thiệt hại. Với lỗi và hậu quả như trên, không thể xử lý về tội Giết người.

Vì vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Phạm Lê về tội Hủy hoại tài sản là có căn cứ, đúng người, đúng tội. (Vụ án xảy ra tại tỉnh Hải Dương, đã xét xử về tội Hủy hoại tài sản).

Điều 178 Bộ luật hình sự 2015

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.