Trình bày khái niệm, điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ. Phân biệt hình phạt cải tạo không giảm giữ với án treo

– Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của Luật hình sự Việt Nam có thời hạn từ 06 tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, nếu Tòa án xét thất không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

– Điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ:

+ Người phạm tội đã phạm một tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định.

+ Người phạm tội có nơi làm việc ổn định hoặc nơi cư trú rõ ràng.

+ Tòa án xét thất không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội và giao người đó cho cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi thường trú giám sát giáo dục.

– Người bị kết án cải tạo không giam giữ có các nghĩa vụ sau:

+ Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, quy ước của nơi mình thường trú.

+ Làm bản cam kết với cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi giám sát, giáo dục với nội dung quyết tâm và hướng sửa chữa lỗi lầm của mình.

+ Thực hiện nghiêm chỉnh bản cam kết của mình, tích cực sửa chữa lỗi lầm; làm ăn lương thiện và tham gia các hoạt động chung tại cộng đồng nơi mình cư trú.

+ Ghi chép đầy đủ các nội dung quy định trong sổ theo dõi và nộp cho người trực tiếp giám sát, giáo dục khi hết thời hạn cải tạo không giam giữ.

+ Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

+ Hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình rèn luyện, tu dưỡng của minh; trong trường hợp người bị kết án vắng mặt khỏi nơi cư trú trên 30 ngày, thí bản báo cáo phải có nhận xét của cảnh sát khu vực hoặc công an xã nơi người đó đến tạm trú.

+ Ba tháng một lần phải tự kiểm điểm về kết quả thực hiên bản cam kết của mình trước tập thể nơi mình làm việc, học tập hoặc cư trú.

+Khai báo và giao nộp đầy đủ phần thu nhập bị khấu trừ theo quyết định của Tòa án cho cơ quan thi hành án dân sự. Nếu không nộp đúng hạn thì phải chịu lãi suất theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

+ Phải có mặt khi cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục yêu cầu.

+ Trong trường hợp người bị kết án cần đi khỏi nơi cư trú:

Nếu là cán bộ, công chức, quân nhân, công dân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, thì phải xin phép thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc, đồng thời báo cáo cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng ấp, bản hoặc cảnh sát khu vực, công an xã nơi mình cư trú;

Nếu người đang học tập tại cơ sở giáo dục, đào tạo thì phải xin phép lãnh đạo cơ sở giáo dục, đào tạo, đồng thời báo cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp bản hoặc cảnh sát khu vực, công an xã nơi mình cư trú.

Nếu là người được giao cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục thì phải báo cáo với người trực tiếp giám sát, giáo dục mình; trong trường hợp đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày thì phải báo cáo bằng văn bản gửi chủ tịch ủy ban nhân xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục, trong đó ghi rõ thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú.

Nếu người bị kết án đi khỏi nơi cư trú qua đêm thì khi đến nơi phải trình báo ngay và nộp sổ theo dõi người bị kết án cho cảnh sát khu vực hoặc công an xã nơi đến tạm trú.

– Phân biệt hình phạt cải tạo không giam giữ với án treo:

+ Giống nhau:

Hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo được áp dụng đối với người đang có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng, người bị kết án không bị tước quyền tự do thân thể nhưng họ đều bị Tòa án giao cho cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi thường trú giám sát, giáo dục.

+ Khác nhau:

Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt, còn án treo là một biện pháp miến chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Án treo được áp dụng đối với người phạm tội mà không phân biệt họ đã phạm là loại tội gì, chỉ cần đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 60 BLHS. Còn hình phạt cải tạo không giam giữ chủ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng

Người được hưởng án treo không bị khấu trừ thu nhập, còn người bị kết án cải tạo không giam giữ bị khấu trừ 5% đến 20% thu nhập để sung quỹ Nhà nước trừ trường hợp được miễn khấu trừ thu nhập và người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự