Câu hỏi:

Phân biệt lỗi cố ý gián tiếp với lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin theo quy định của Bộ luật hình sự

Trả lời:

Đặt vấn đề, nêu được khái niệm lỗi:

Để xác định một hành vi trái pháp luật của một người có phải là tội phạm hay không, phải xem xét cả 4 yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó có mặt chủ quan của tội phạm. Trong mặt chủ quan, lỗi là dấu hiệu quan trọng nhất. Lỗi chính là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm của mình gây ra cho xã hội và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.

– Khẳng định: Lỗi là một trong những yếu tố cơ bản để xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, là căn cứ để phân loại cấu thành tội phạm để quy định hình phạt với từng loại tội phạm và là cơ sở để quyết định hình phạt trong từng trường hợp cụ thể.

Trong Luật hình sự Việt Nam có 2 loại lỗi là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong lỗi cố ý lại chia ra thành cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; Lỗi vô ý cũng chia làm 2 loại là lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả. Trong các hình thức lỗi trên, giữa lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý do quá tự tin có điểm giống nhau một cách tương đối về mặt lý trí, song về tính chất, mức độ lại hoàn toàn khác nhau. Việc phân biệt rõ 2 hình thức lỗi trên có ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn, đảm bảo việc định tội được chính xác, đúng pháp luật.

Để phân biệt rõ lỗi cố ý gián tiếp với lỗi vô ý do quá tự tin, trước hết cần làm rõ nội hàm của từng loại lỗi.

Lỗi cố ý gián tiếp:

Theo Điều 9 BLHS hiện hành thì lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Qua khái niệm trên chúng ta thấy:

– Về mặt lý trí (nhận thức của chủ thể): Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

– Về mặt ý chí: Người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra do chính hành vi của mình.

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm mục đích khác. Chính để đạt được mục đích này mà người phạm tội mặc dù không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra, song có thái độ thờ ơ với lợi ích bị xâm hại, chấp nhận hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình có thể xảy ra và có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra.

Lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin:

Theo Điều 10 BLHS hiện hành thì: Lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện hành vi và đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Qua khái niệm trên chúng ta thấy:

– Về mặt lý trí: Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả nguy hiểm sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Trong vô ý vì quá tự tin, người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng với khả năng, kinh nghiệm của mình, với các biện pháp mình áp dụng, cách thức, phương tiện thực hiện, các điều kiện khách quan, chủ quan khác mà hậu quả thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được… nhưng hậu quả nguy hiểm đã xảy ra.

– Về mặt ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, không chấp nhận và không có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra.

Người phạm tội không muốn hành vi của mình gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Sự không mong muốn này gắn liền với việc người đó đã loại trừ khả năng hậu quả xảy ra do đã cân nhắc, tính toán dựa vào những căn cứ như tin tưởng vào sự khéo léo, sự hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ kỹ thuật của mình hoặc tin vào những tình tiết khách quan khác như đã nêu trên.

Từ phân tích nêu trên, có thể thấy lỗi cố ý gián tiếp với lỗi vô ý vì quá tự tin mặc dù có điểm giống nhau về mặt lý trí là cùng nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn khác ở các điểm sau:

– Về mặt nhận thức của chủ thể:

+ Người có lỗi cố ý gián tiếp nhận thức rất rõ hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội của hành vi, trong khi đó lỗi vô ý vì quá tự tin, do tin rằng hậu quả không xảy ra nên không nhận thức rõ ràng hậu quả nguy hiểm cho xã hội mặc dù có thể biết rằng hành vi của mình là nguy hiểm và pháp luật không cho phép.

+Sự không mong muốn ở lỗi vô ý vì quá tự tin có điểm khác so với lỗi cố ý gián tiếp: sự không mong muốn hậu quả xảy ra ở lỗi vô ý vì quá tự tin gắn liền với việc người đó đã loại trừ khả năng hậu quả xảy ra do đã cân nhắc, tính toán và đã cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

– Về mặt ý chí: Người có lỗi cố ý gián tiếp có ý thức chấp nhận, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra còn với lỗi vô ý vì quá tự tin thì không chấp nhận và cũng không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Tóm lại: Lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý tự tin tuy có điểm giống nhau về lý trí nhưng tính chất, mức độ lỗi lại hoàn toàn khác nhau; phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp nặng hơn so với lỗi vô ý vì quá tự tin. Vì vậy, cần phân biệt rõ 2 loại lỗi trên để xác định tội danh được chính xác, đúng pháp luật.