Câu hỏi:

Phân tích các dấu hiệu của phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam

Trả lời:

Khái niệm: Điều 15 BLHS quy định “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của  mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lơi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

1. Điều kiện của phòng vệ chính đáng:

– Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng:

+ Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân.

+ Hành vi tấn công của con người là cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng nhưng nó chỉ là cơ sở chừng nào còn đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc. Khi hành vi tấn công đã thực sự chấm dứt thì không đòi hỏi có hành vi ngăn chặn.

+ Hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng có những biểu hiện đe dọa sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc thì cũng cho phép được quyền phòng vệ.

– Nội dung và phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng:

+ Khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả trong trường hợp có biện pháp khác tránh đượcc sự tấn công.

+ Sự chống trả của người phòng vệ phải nhằm chính vào người tấn công, vào chính người đang gây ra sự nguy hiểm cho xã hội.

+ Sự chống trả của người phòng vệ là sự chống trả cần thiết, có nghĩa biện pháp chống trả của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể phải là những biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn được sự tấn công, hạn chế những thiệt hại có thể bị người tấn công gây ra.

2. Đánh giá sự cần thiết, căn cứ vào:

– Tính chất của quạn hệ xã hội bị đe dọa xâm hại;

– Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra;

– Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công;

– Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụn;

– Sức mạnh và khả năng phòng vệ của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể…

3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

– Khoản 2 Điều 15 quy định “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”

– Đây là trường hợp mà người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó.

– Người phòng vệ trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với việc vượt quá của mình.

4. Phòng vệ tưởng tượng:

– Là trường hợp người do lầm tưởng có sự tấn công của người khác nên đã gây thiệt hại cho họ.

– Phòng vệ tưởng tượng không được coi là phòng vệ chính đáng vì không có cơ sở của quyền phòng vệ, do vậy vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn được đặt ra và được giải quyết như mọi trường hợp sai lầm khác.

Vào ngày 20/7/2016, Nguyễn Văn H rủ Lê Văn Đ (đều trên 18 tuổi) tìm người nào sơ hở để chiếm đoạt tài sản bán lấy tiền, Đ đồng ý. Khoảng 22 giờ cùng ngày, H dùng xe mô tô của mình chở Đ đi trên đường Phan Châu Trinh, huyện T, tỉnh Q, nhìn thấy anh Trần B (20 tuổi) đang ngồi trên vỉa hè và trên tay anh B có cầm 01 điện thoại di động (trị giá 5.000.000đ), do có quen biết trước với B, nên Đ kêu H điều khiển xe đi đến chỗ anh B đang ngồi. Đ giả vờ hỏi chuyện và mượn điện thoại của anh B để gọi cho người bạn, khi anh B vừa đưa điện thoại cho Đ, H lập tức điển khiển xe mô tô chở Đ tẩu thoát. Anh B điều khiển xe mô tô vừa đuổi theo H, Đ và vừa hô to “Cướp, cướp”. Đến khu vực ngã tư, H điều khiển cho xe rẽ trái thì xe bị trượt ngã làm H, Đ té xuống, chiếc điện thoại Đ đang cầm bị rơi ra ngoài. H dựng xe lên tiếp tục đề máy xe tẩu thoát, còn Đ chạy lại nhặt chiếc điện thoại, cùng lúc này anh B cũng chạy đến giằng lại chiếc điện thoại từ tay Đ, khi hai bên đang giằng co thì anh B bị Đ dùng dao nhọn đâm liên tiếp hai nhát vào bụng, khi B ngã xuống thì Đ tiếp tục đâm 1 nhát vào ngực trái B rồi bỏ trốn. Do bị đâm thủng tim và phổi nên anh B tử vong tại chỗ.

VKS quyết định truy tố Nguyễn Văn H về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS; truy tố Lê Văn Đ về tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 và tội “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 93 BLHS.

Tòa án sơ thẩm xét xử H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 và xét xử Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 và tội “Giết người” theo điểm g khoản 1 Điều 93 BLHS.

Hỏi: Anh (chị) hãy nhận xét về quyết định truy tố và bản án trên và đề xuất hướng giải quyết tiếp theo (nếu có)?

* Về tội danh:

Theo nội dung vụ án như trên thì thấy, do có ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của anh B, nên Đ giả vờ hỏi mượn điện thoại của anh B, khi có được điện thoại thì H và Đ nhanh chóng rồ ga bỏ chạy, như vậy, mặc dù lúc đầu Đ có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để anh B đưa điện thoại cho Đ, nhưng đây chỉ là phương thức tiếp cận tài sản, tạo điều kiện để chiếm đoạt tài sản, khi Đ có được điện thoại trên tay, H lập tức rồ ga, nhanh chóng bỏ chạy nhằm chiếm đoạt chiếc điện thoại trên, do đó, hành vi trên đủ yếu tố cấu thành “Cướp giật tài sản” và với hành vi sử dụng xe mô tô để thực hiện hành vi phạm tội, H và Đ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm d, khoản 2 Điều 136 BLHS.

Tuy nhiên, khi bỏ chạy, H và Đ bị ngã xe, chiếc điện thoại văng ra ngoài. H tiếp tục dựng xe bỏ chạy, còn Đ chạy đến nhặt chiếc điện thoại. Lúc này anh B đuổi kịp và đã có hành vi giằng co để dành lại tài sản từ tay Đ, Đ đã sử dụng một con dao nhọn để đâm anh B nhằm chiếm đoạt cho bằng được tài sản, khi anh B bị đâm ngã xuống, Đ tiếp tục đâm thêm 1 nhát nữa vào ngực trái, làm anh B tử vong tại chỗ. Như vậy, hành vi của Đ đã chuyển hóa từ tội “Cướp giật tài sản” sang tội “Cướp tài sản” và việc Đ cố tình đâm anh B nhiều nhát, dẫn đến cái chết của anh B thì Đ phải chịu TNHS về tội “Giết người” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 93 BLHS.

Như vậy, Nguyễn Văn H đã phạm tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d, khoản 2 Điều 136 BLHS. Lê Văn Đ phạm tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 BLHS và tội “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 93 BLHS.

* Nhận xét:

+ Đối với quyết định truy tố:

Như đã phân tích ở trên thì việc VKS truy tố Nguyễn Văn H về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d, khoản 2 Điều 136 BLHS. Lê Văn Đ về tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 BLHS và tội “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 93 BLHS là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

+ Đối với quyết định của Tòa án sơ thẩm:

Việc Tòa án sơ thẩm xét xử H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 và xét xử Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 và tội “Giết người” theo điểm g khoản 1 Điều 93 BLHS là đúng với thẩm quyền được quy định tại Điều 170 BLTTHS nhưng không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, việc xét xử H và Đ như trên là sai về mặt tội danh.

Do đó, sau khi tham gia phiên tòa, xét thấy việc xét xử như vậy của Tòa án sơ thẩm là sai, KSV cần báo cáo Lãnh đạo và đề xuất hướng giải quyết tiếp theo, cụ thể là đề xuất Lãnh đạo quyết định Kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án, đề nghị HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng tuyên xử Nguyễn Văn H phạm tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d, khoản 2 Điều 136 BLHS. Lê Văn Đ phạm tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 BLHS và tội “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 93 BLHS để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.