Câu hỏi: Phân tích các dấu hiệu (đặc điểm) của tội phạm
Đáp án:
– Các dấu hiệu của tội phạm:
Điều 8 BLHS năm 2015 đã xác định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi bị coi là tội phạm có các dấu hiệu: Tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái PLHS và tính phải chịu hình phạt.
+ Tính nguy hiểm cho xã hội:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời, khoản 2 Điều 8 BLHS còn quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Căn cứ quy định tại Điều 8 BLHS, có thể thấy, theo quy định của luật hình sự Việt Nam, tội phạm phải là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội.
Nguy hiểm đáng kể cho xã hội cho xã hội nghĩa là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Thiệt hại do tội phạm gây ra có thể là thiệt hại về thể chất, về vật chất hoặc các thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, những tác hại gây ra cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Trong BLHS quy định nhiều tội phạm mà tự bản thân việc thực hiện hành vi được quy định trong BLHS đã là nguy hiểm đáng kể cho xã hội và bị coi là tội phạm. Trong nhiều trường hợp điều luật Phần các tội phạm của BLHS không quy định cụ thể các tiêu chí để xác định hành vi như thế nào là nguy hiểm đáng kể cho xã hội mà chỉ quy định những dấu hiệu định tính.
Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội không chỉ là căn cứ để phân biệt hành vi phạm tội với những hành vi vi phạm pháp luật khác, mà còn là cơ sở để nhà làm luật phân hóa TNHS, làm cơ sở để cá thể hóa TNHS khi áp dụng.
+ Tính có lỗi:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Như vậy, dấu hiệu tính có lỗi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm.
Việc thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm do lỗi là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự xuất phát từ việc coi lỗi là thái độ phủ định chủ quan của người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trước các yêu cầu và đòi hỏi của xã hội và coi mục đích của TNHS, của hình phạt là nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội.
+ Tính trái PLHS:
Theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định. Tính trái PLHS của tội phạm được thể hiện tại Điều 2, khoản 1 Điều 8 và các điều luật cụ thể Phần các tội phạm của BLHS. Có thể hiểu rằng, những hành vi nguy hiểm được quy định trong Bộ luật hình sự, nếu ai thực hiện những hành vi đó thì là trái pháp luật hình sự.
Tính trái PLHS và tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm có mối quan hệ biện chứng, gắn bó với nhau về mặt hình thức pháp lý và nội dung chính trị – xã hội. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm thể hiện nội dung có tính chính trị – xã hội của tội phạm, còn tính trái PLHS là thể hiện về mặt hình thức pháp lý của tội phạm. Trong mối quan hệ hai mặt đó, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính bên trong của tội phạm quy định tính trái PLHS của tội phạm. Căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cụ thể, nhà làm luật mới phản ánh hành vi đó vào luật hình sự để quy định đó là tội phạm và hành vi đó mang tính trái PLHS.
+ Tính phải chịu hình phạt:
Tội phạm luôn chứa đựng khả năng bị đe dọa áp dụng biện pháp cưỡng chế Nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt. Do vậy, có thể nói tội phạm mang tính phải chịu hình phạt. (2 điểm)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, tính phải chịu hình phạt của tội phạm tuy không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm nhưng là hệ quả của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi và trái PLHS và bị coi là tội phạm.
Nói đến tội phạm là nói đến hình phạt, với tính cách là biện pháp cưỡng chế Nhà nước nghiêm khắc nhất trong số các biện pháp cưỡng chế Nhà nước để áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.
Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là cơ sở để phân hóa hình phạt khi nhà làm luật quy định các điều khoản về tội phạm trong BLHS và là cơ sở để cá thể hóa hình phạt khi áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội trong từng trường hợp cụ thể.