Câu hỏi: Phân tích các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm
Trả lời:
1. Các khái niệm:
– Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm
– Các loại người đồng phạm
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm
Người giúp sức là người tạo ra những điều kiện về tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm
Trong một vụ đồng phạm, có thể có đủ bốn loại người đồng phạm cùng tham gia, nhưng cũng có thể chỉ có một loại người, mỗi người đồng phạm có thể tham gia với một loại hành vi nhưng cũng có thể tham gia với nhiều loại hành vi khác nhau.
– Trách nhiệm hình sự là một trong những loại trách nhiệm pháp lý, thể hiện ở hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải chịu trước nhà nước về hành vi phạm tội của mình.
2. Các nguyên tắc xác định trách nhiệm pháp lý của những người đồng phạm
– Ngoài những nguyên tắc chung xác định trách nhiệm hình sự áp dụng cho tất cả các trường hợp phạm tội, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm còn phải tuân thủ những nguyên tắc có tính riêng biệt.
– Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm
+ Cơ sở của nguyên tắc:
Trong đồng phạm, tội phạm được thực hiện do sự nỗ lực hợp tác chung của tất cả những người đồng phạm.
Hậu quả của tội phạm là kết quả hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm
Tội phạm là thể thống nhất không thể chia cắt.
+ Nội dung:
Tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh, trong cùng một điều luật và trong phạm vi những chế tài mà điều luật đó quy định.
Các nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự. về quyết định hình phạt, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm mà những người đồng phạm đã thực hiện được áp dụng chung cho tất cả những người tham gia trong vụ đồng phạm.
Các tình tiết định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ chung của tội phạm được áp dụng chung đối với tất cả những người đồng phạm.
Trường hợp tội phạm không thực hiện tội phạm đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào, những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó.
– Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm.
+ Cơ sở của nguyên tắc:
Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân nên việc xác định trách nhiệm hình sự cho mỗi người đồng phạm phải căn cứ vào hành vi cụ thể của mỗi người.
+ Nội dung:
Việc xác định trách nhiệm hình sự của từng người đồng phạm phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người đó đã thực hiện.
Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người đồng phạm khác. Hành vi vượt quá của người đồng phạm là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm, hành vi đó có thể cấu thành một tội phạm khác hoặc cấu thành tình tiết định khung tặng nặng áp dụng cho riêng người có hành vi vượt quá.
Các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng riêng đối với người đó.
Hành vi của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức dù chưa dẫn đến việc thực hiện tội phạm của người thực hành thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của mỗi người đồng phạm không loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác.
– Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm.
+ Cơ sở của nguyên tắc: Những người đồng phạm tuy phạm cùng một tội nhưng tính chất và mức độ tham gia của mỗi người là khác nhau, do đó trách nhiệm hình sự của mỗi người phải được xác định khác nhau
+ Nội dung:
Việc quyết định hình phạt với từng người đồng phạm phải căn cứ vào tính chất, mức độ tham gia của người đó trong vụ đồng phạm.
Tính chất tham gia của mỗi người đồng phạm thể hiện ở việc họ tham gia với vai trò tổ chức, thực hành, xúi giục hay giúp sức. Thông thường, người tổ chức được coi là người nguy hiểm nhất trong vụ đồng phạm và người giúp sức được coi là ít nguy hiểm hơn so với những người đồng phạm khác
Mức độ tham gia phạm tội của mỗi người đồng phạm thể hiện ở sự đóng góp và ảnh hưởng thực tế của họ đối với việc gây ra tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm (là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy; thực hành tích cực hay không tích cực)
Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với từng người đồng phạm và những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội chỉ áp dụng riêng đối với người đó.