Phân tích căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm bản án hình sự hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Giải pháp để nâng cao chất lượng kháng nghị Giám đốc thẩm

1. Nêu khái niệm Giám đốc thẩm

Căn cứ để kháng nghị Giám đốc thẩm quy định tại Điều 272, Điều 273 BLTTHS, Điều 49 QCTHQCTVKSXXHS

-Theo quy định tại Điều 272 BLTTHS thì “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có HLPL, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án”.

-Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm: Có 4 căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định của TA đã có hiệu lực pháp luật:

+ Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ.

+ Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, tuy tố, xét xử.

+ Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.

2. Phân tích các căn cứ

– Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ:

+ Là trường hợp không điều tra xét hỏi một cách toàn diện, đầy đủ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án như: Việc điều tra chỉ thiên về chứng cứ buộc tội mà bỏ qua những chứng cứ xác định vô tội, bỏ qua những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; Trong vụ án còn có những mâu thuẫn giữa các chứng cứ nhưng không được điều tra xét hỏi, đối chất để làm rõ tại phiên tòa; Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ là trường hợp việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa bỏ sót một hoặc một số tình tiết về từng tội trong vụ án hoặc không điều tra xét hỏi đối với người tham gia tố tụng.

+ Những dạng vi phạm thường gặp trong thực tiễn xét xử (HĐXX không xét hỏi những người tham gia tố tụng trong trường hợp lời khai của họ tại CQĐT mâu thuẫn với lời khai của người tham gia tố tụng khác, nhưng lại căn cứ vào lời khai tại CQĐT để làm căn cứ xác định sự thật của vụ án; Tại phiên toà còn có nhiều mâu thuẫn giữa các nguồn chứng cứ nhưng không được điều tra xét hỏi, đối chất… để làm rõ và HĐXX đã căn cứ vào một hoặc một số chứng cứ nào đó để tuyên án.

– Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Tình tiết khách quan của vụ án là những sự kiện có thực xảy ra trong quá khứ và không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Khi giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã có những nhận định, đánh giá, kết luận mang tính chủ quan, không phù hợp với chứng cứ khách quan đã thu thập được trong hồ sơ vụ án và đã được xem xét, làm rõ tại phiên tòa, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị giám đốc thẩm.

– Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử.

+ Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp một hoặc một số thủ tục tố tụng nào đó được BLTTHS qui định buộc phải tiến hành hoặc buộc phải tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại…

Ví dụ, trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 57 của BLTTHS mà CQĐT, VKS hoặc TA không yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc 68 đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (trừ trường hợp bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã mời người bào chữa hoặc đều từ chối người bào chữa).

+ Hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đó đã làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện.

+ Những dạng vi phạm thường gặp trong thực tiễn xét xử:( Vi phạm trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, thu giữ vật chứng…Vi phạm trong việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng …Vi phạm trong việc đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, vi phạm trong việc giám định dẫn đến kết quả điều tra, kết quả giám định không phản ánh đúng sự thật khách quan; Việc giao các quyết định của TA không đúng với qui định tại Điều 182 Bộ luật TTHS; Chủ toạ phiên toà không thực hiện đúng các qui định của BLTTHS tại phiên toà như…).

– Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS như:

+ Áp dụng sai điều, khoản của BLHS dẫn đến xét xử bị cáo về tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn;

+ Áp dụng khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn không đúng với nguyên tắc xử lý vụ án; hoặc

+ Áp dụng đúng điểm, khoản, điều luật của BLHS nhưng xử quá nhẹ hoặc quá nặng hoặc buộc bồi thường không đúng …

Vi phạm trong việc áp dụng BLHS có thể là vi phạm trong việc áp dụng các qui định của BLHS, vi phạm trong việc áp dụng các văn bản pháp luật khác và vì những sai lầm này dẫn đến áp dụng các qui định của BLHS không đúng.

+ Những dạng vi phạm thường gặp trong thực tiễn xét xử(kết án người không phạm tội, kết án sai tội danh là trường hợp hành vi của bị cáo phạm tội danh này, nhưng TA lại kết án bị cáo về tội danh khác,TA áp dụng các biện pháp tư pháp trái pháp luật…).

3. Những giải pháp để nâng cao chất lượng kháng nghị Giám đốc thẩm

– Tăng cường kiểm tra bản án hình sự đã có hiệu lực của Tòa án các cấp, đây là một nguồn chủ yếu để phát hiện những vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên cần kiểm tra thường xuyên, theo định kỳ hoặc theo chuyên đề từng loại án, kiểm tra bằng nhiều hình thức, biện pháp đối với tất cả bản án hoặc quyết định đã có HLPL.

– Thường xuyên nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến công tác kháng nghị Giám đốc thẩm để phát hiện những bất cập, vướng mắc, khó khăn..Kịp thời tổng hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích, sửa đổi ,bổ sung văn bản Luật…

-Tăng cường công tác kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, việc giải quyết toàn bộ các đơn đề nghị giám đốc thẩm là một trong những điều kiện quan trọng để phát hiện vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định.

– Tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, vì thế, người có thẩm quyền kháng nghị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo, điều hành trong công tác kháng nghị giám đốc thẩm.

– Nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ kiểm sát được phân công công tác trong lĩnh vực kháng nghị giám đốc thẩm, việc tiếp tục kiện toàn về tổ chức, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kháng nghị giám đốc thẩm đủ về số lượng, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao. Mặt khác, cần cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo chế độ tiền lương, đãi ngộ thỏa đáng đối với các cán bộ làm công tác kháng nghị giám đốc thẩm.

– Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là giữa Tòa án với VKS trong công tác kháng nghị giám đốc thẩm, trong hoạt động kháng nghị giám đốc thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ phối hợp với nhau thường xuyên, mà còn phải tăng cường phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác, tổ chức Đảng… Đặc biệt là những vụ án phức tạp, được dư luận quần chúng quan tâm thì trước khi tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm, Tòa án và VKS nên có sự trao đổi để thống nhất về quan điểm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được tình hình chính trị và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương.