Phân tích những căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung và nêu những giải pháp hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

1. Nêu những căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 thì căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có một trong những căn cứ sau:

– Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

– Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

– Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

– Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;

2. Phân tích căn cứ

* Thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án

– Chứng cứ quan trọng đối với vụ án là chứng cứ quy định tại Điều 86 BLTTHS 2015 dùng để chứng minh những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS 2015 và nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

-Các trường hợp được xác định là thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

+ Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính…);

+ Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

+ Chứng cứ để chứng minh “Ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;

+ Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi hay không có lỗi; nếu có lỗi thì thuộc trường hợp lỗi cố ý (lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp) hoặc lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả) theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Bộ luật hình sự 2015;

+ Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự hay không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không và nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào;

+ Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì và trong trường hợp mục đích, động cơ phạm tội là yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc là yếu tố (tình tiết) của cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố (tình tiết) định khung hình phạt;

+ Chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định bị can, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015; có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc là chứng cứ xác định tình tiết định khung hình phạt;

+ Chứng cứ để chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định lý lịch tư pháp của bị can, bị cáo;

+ Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, hậu quả (vật chất và phi vật chất) của hành vi phạm tội trong việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt;

+ Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85 của BLTTHS 2015 mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: Chứng cứ để xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc xác định chính xác tuổi của người bị hại là trẻ em; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức…

-Điều kiện để trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án nếu Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án được mà xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được;

*Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Khởi tố và điều tra về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

+ Ngoài tội phạm đã khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can về một hoặc nhiều tội khác;

+Ngoài bị can đã bị khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác có liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

*Có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác

+ Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can (bị cáo) đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

+ Ngoài tội phạm đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can (bị cáo) về một hay nhiều tội khác;

+ Ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố bị can.

*Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

– “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

– Những trường hợp sau đây được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự:

+ Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của BLTTHS phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng đã không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;

+ Điều tra viên không trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 77 của BLTTHS 2015;

+ Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

+Khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của BLTTHS 2015;

+ Nhập vụ án hoặc tách vụ án không có căn cứ và trái với quy định tại Điều 170 của BLTTHS 2015;

+ Không giao các lệnh, quyết định tố tụng cho bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo;

+ Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của người có hành vi phạm tội (tuổi, tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo);

+ Không có người phiên dịch cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc họ là người câm, điếc theo quy định tại Điều 70 của BLTTHS 2015;

+ Không từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng trong các trường hợp quy định tại Điều 49, Điều 68 và Điều 70 của BLTTHS 2015;

+ Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;

+ Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án;

+Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền phân công điều tra vụ án cụ thể;

+ Có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;

+ Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ;

+ Những trường hợp khác được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này nhưng phải ghi rõ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Một số giải pháp hạn chế trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Một là, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ của KSV; lựa chọn phân công KSV kiểm sát điều tra phù hợp với từng vụ án.

Hai là, KSV được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu để kiểm sát chặt chẽ việc phê chuẩn và chủ động đề ra yêu cầu điều tra. Phải bám sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót về chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, KSV phải phối hợp với Điều tra viên rà soát lại toàn bộ chứng cứ buộc tội chứng cứ gỡ tội và các thủ tục tố tụng đối với vụ án, bị can. Sau khi kết thúc điều tra, KSV tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn trong vụ án; thực hiện việc phúc cung tổng hợp đối với từng bị can, nhất là đối với những bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chối tội, phản cung hoặc có mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để từ đó đề xuất đường lối xử lý vụ án, bị can có căn cứ và thận trọng.

Ba là, đối với từng vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân.

Bốn là, khi kiểm sát một số hoạt động điều tra, KSV cần lưu ý: Các dạng vi phạm, sai sót thường gặp; yêu cầu điều tra cần làm rõ có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bị can không (có biểu hiện không bình thường về thần kinh …); đối với vụ án có đông người tham gia hoặc liên quan, KSV cần thận trọng đánh giá chứng cứ để cùng điều tra viên xác định diện khởi tố; cần thận trọng khi phê chuẩn khởi tố bị can đối với các tội phạm có cấu thành tội phạm có dấu hiệu gần giống nhau; vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; trong quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra tiếp, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì KSV cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Liên ngành cùng cấp để thống nhất giải quyết; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp trên

– Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác giải quyết án nói chung và chuyên đề trả điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng cho đội ngũ cán bộ, KSV để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, kiến thức và kinh nghiệm xử lý tình huống.