Câu hỏi:
Phân tích những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự và nêu ý nghĩa của việc chứng minh những nội dung đó.
Trả lời:
1. Căn cứ pháp lý
Điều 63 BLTTHS năm 2003. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
2. Nội dung phân tích
Đi vào phân tích từng nội dung cụ thể quy định tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự gồm:
– Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội.
+ Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, tức là chứng minh là rõ hành vi xảy ra trên thực tế mà các Cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện có phải là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự hay không, nếu là hành vi phạm tội thì mang dấu hiệu của tội phạm nào, được quy định cụ thể tại Điều luật nào của Bộ luật hình sự.
+ Không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội: Làm rõ hành vi phạm tội được thực hiện trong một không gian và thời gian cụ thể ra sao, để chứng minh có phù hợp với các tình tiết khác trong vụ án hay không. Địa điểm thực hiện tội phạm tại đâu, đây là nội dung quan trọng để xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Nội dung chứng minh này để làm rõ được những yếu tố về mặt khách quan của tội phạm. Xác định được hành vi khách quan đã được thực hiện trên thực tế có phải là tội phạm hay không, nếu là tội phạm thì xác định được hành vi đó có dấu hiệu của tội phạm nào, cũng như xác định được không gian, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm để định hướng điều tra thu thập chứng cứ trong vụ án và xác định được thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các Cơ quan tiến hành tố tụng nơi tội phạm được thực hiện.
– Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội.
+ Ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không: Chứng minh chủ thể thực hiện tội phạm là một con người cụ thể nào, có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không.
+ Có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý, mục đích, động cơ phạm tội: Xác định hành vi xảy ra trên thực tế có phải là hành vi có lỗi theo quy định của Bộ luật hình sự hay không, lỗi đó là loại lỗi cố ý hay vô ý. Từ việc xác định được loại lỗi mà chủ thể tội phạm đã thực hiện trên cơ sở đó sẽ làm rõ chứng minh động cơ, mục đích phạm tội để làm cơ sở cho việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm.
Làm rõ được những nội dung này, chính là chứng minh được chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm. Qua kết quả điều tra thu thập chứng cứ chứng minh xác định được cụ thể ai là người đã thực hiện hành vi phạm tội, xác định chủ thể đó có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không, cũng như chứng minh được hành vi của chủ thể đó thực hiện có lỗi hay không, nếu có lỗi thì là loại lỗi gì, trên cơ sở đó làm rõ được động cơ và mục đích của chủ thể thực hiện tội phạm.
– Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo.
+ Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Làm rõ hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế có thuộc các trường hợp định khung tăng nặng trong tội phạm cụ thể hoặc các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự hay không.
+ Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Làm rõ hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế có thuộc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự hay không.
+ Những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo: Chứng minh đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo là làm rõ những đặc điểm về nhân thân có lợi cho bị can, bị cáo, cũng như xác định rõ bị can, bị cáo có tiền án, tiền sự trước đó hay không, để bổ trợ cho việc định khung hình phạt cũng như việc quyết định hình phạt khi xét xử.
Đây là những nội dung cần chứng minh để phục vụ cho việc định khung hình phạt nếu có, cũng như xác định được những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, để trong giai đoạn xét xử tại phiên toà giúp cho Kiểm sát viên đề nghị mức hình phạt được chính xác, đúng với tính chất mức độ của hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội, đồng thời giúp Hội đồng xét xử quyết định một mức hình phạt đúng đắn.
– Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Làm rõ được những nội dung này chính là chứng minh được hậu quả do hành vi phạm tội của bị can, bị cáo gây ra, đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại trên thực tế.
3. Ý nghĩa của việc chứng minh
Việc chứng minh làm rõ được những nội dung quy định tại Điều 63 BLTTHS nêu trên, giúp cho các Cơ quan tiến hành tố tụng xác định đúng chủ thể thực hiện tội phạm, làm rõ được các yếu tố cấu thành tội phạm để định tội danh được chính xác. Đồng thời xác định được các tình tiết có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt, tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, xác định được hậu quả do tội phạm gây ra. Mục đích cuối cùng của việc chứng minh này là xử lý đúng người, đúng tội, quyết định một mức hình phạt đúng đắn tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.