Phụ lục
Phân tích nội dung quy định kháng cáo, kháng nghị và người kháng cáo, kháng nghị không có quyền bổ sung kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo?
Nguyên tắc hai cấp xét xử là một trong những nguyên tắc cơ bản của Tố tụng hình sự Việt Nam. Biểu hiện chính của nguyên tắc này là hoạt động xét xử phúc thẩm. Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, bản án và quyết định sơ thẩm không có hiệu lực ngay mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại. Kháng cáo, kháng nghị là quyền của những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát (VKS) nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng người, đúng tội.
– Những người kháng cáo phúc thẩm được quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 và Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP đã quy định về những người có quyền kháng cáo, cũng như phạm vi kháng cáo của mỗi chủ thể:
+ Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật), là người chịu trách nhiệm hình sự theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm, chính bởi vậy, đề đảm bảo quyền lợi của họ, pháp luật quy định họ có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm và không hạn chế hướng kháng cáo. Với những bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp cho họ là người có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
+ Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữ: Hiện nay, pháp luật chưa nêu rõ phạm vi kháng cáo cũng như hướng kháng cáo của người bào chữa. Quyền kháng cáo này độc lập với việc bị cáo có đồng ý hay không đồng ý. Trong trường hợp người bào chữa kháng cáo, bị cáo vẫn có quyền kháng cáo.
+ Người bảo vệ quyền lợi của đương sự: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
+ Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại: Người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo cả hai hướng: có lợi hoặc bất lợi cho bị cáo. Quy định này của pháp luật nhằm đảm bảo tính công bằng và bảo vệ quyền lợi của người bị hại.
Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại thì họ có thể ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự…
Trong trường hợp người bị hại chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại (ví dụ cha, mẹ, vợ và con thành niên của người bị hại) thì phân biệt như sau:
– Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này đã đồng ý cử một người trong số họ thay mặt họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại (sự đồng ý này có thể được thể hiện trong văn bản riêng hoặc trong lời khai của họ), thì sau khi xét xử sơ thẩm những người này vẫn có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Việc kháng cáo có thể do từng người thực hiện hoặc có thể cử một người trong số họ thay mặt họ thực hiện.
– Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:
Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung; Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, VKS kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;
Nếu trong vụ án không có ai kháng cáo, VKS không kháng nghị, thì đơn của họ được coi là đơn khiếu nại đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Trong trường hợp này bản án hoặc quyết định sơ thẩm sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ cũng có quyền kháng cáo nhưng chỉ với phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Pháp luật quy định người đại diện hợp pháp có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự: Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Do nguyên đơn, bị đơn dân sự tham gia vụ án hình sự để giải quyết vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án hình sự, vì vậy, quyền kháng cáo của họ chỉ hạn chế trong phạm vi những phần bản án, quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.Những quy định của pháp luật về vấn đề này khá đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên bản thân em xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Pháp luật cần quy định rõ phạm vi và hướng kháng cáo của người bào chữa. Pháp luật cần quy định rõ về hình thức ủy quyền kháng cáo trong các trường hợp được phép ủy quyền.
Chủ thể kháng nghị phúc thẩm:
Khoản 1 Điều 336 BLTTHS 2015 quy định VKS cùng cấp với Tòa án đã ra bản án sơ thẩm và VKS cấp trên trực tiếp của VKS đó có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc kháng nghị của VKS khi phát hiện ra những sai lầm, thiếu sót của bản án, quyết định sơ thẩm là quyền hạn và trách nhiệm của VKS trong việc thực hành quyền giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, nhằm mục đích bảo vệ và củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa. VKS có thể kháng nghị toàn bộ hay một phần bản án hoặc quyết định, đối với tất cả bị cáo và những người tham gia tố tụng khác hay chỉ với một số người. Hướng kháng nghị của VKS cũng không bị hạn chế. Do cả VKS cùng cấp và VKS cấp trên trực tiếp đều có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định của Tòa án sơ thẩm nên sẽ có những trường hợp xảy ra như: Nếu hai bản kháng nghị có tính chất bổ sung cho nhau thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ chấp nhận để xét xử theo cả hai bản kháng nghị đó. Nếu hai bản kháng nghị mâu thuẫn nhau mà VKS cùng cấp không rút kháng nghị của mình, VKS nhân dân cấp trên không hủy kháng nghị của VKS nhân dân cấp dưới thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận để xử theo kháng nghị của VKS cấp trên trực tiếp do nguyên tắc hoạt động của VKS nhân dân là hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.
Thủ tục kháng cáo, kháng nghị
-Thời hạn kháng cáo, kháng nghị: Thời hạn kháng cáo, kháng nghị: Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Trong trường hợp Tòa án xử vắng mặt bị cáo hoặc đương sự tại Tòa thì để đảm bảo quyền lợi cho họ, ngày bắt đầu thời hạn kháng cáo được tính từ ngày bản sao bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là mười lăm ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày kể từ ngày tuyên án.
Thủ tục kháng cáo, kháng nghị:
-Về việc thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị: Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho các bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.
– Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Chánh án Toà án cử một Thẩm phán hoặc một cán bộ Toà án tiếpvà giải quyết. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó. Nếu người kháng cáo biết chữ và viết được thì hướng dẫn để họ tự viết đơn.
Nếu họ muốn trình bày trực tiếp thì người lập biên bản phải giải thích cho người yêu cầu kháng cáo nói rõ lí do và yêu cầu kháng cáo. Việc lập biên bản phải được thực hiện theo quy định tại Điều 133 BLTTHS.
– Viện kiểm sát cùng cấp hoặc VKS cấp trên trực tiếp kháng nghị bằng văn bản, có nêu rõ lý do. Kháng nghị được gửi đến Tòa án đã xử sơ thẩm.
Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị
Trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì người kháng cáo, VKS đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo.
Trong trường hợp người kháng cáo, VKS đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung. Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, VKS đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị, nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Làm xấu hơn tình trạng của bị cáo là làm cho bị cáo có thể bị Tòa án cấp phúc thẩm phạt nặng hơn, áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn hoặc tăng mức bồi thường so với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Do đó, người đã kháng cáo hoặc VKS đã kháng nghị theo hướng giảm nhẹ cho bị cáo so với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì không được bổ sung hoặc thay đổi theo hướng tăng nặng cho bị cáo. Nếu đã kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng thì không được bổ sung hình phạt khác hoặc thay đổi bằng loại hình phạt khác nặng hơn.
Về việc rút kháng cáo, kháng nghị:
Trong trường hợp người kháng cáo và VKS rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo và kháng nghị), thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Trước khi mở phiên toà việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thực hiện, còn tại phiên toà do Hội đồng xét xử thực hiện. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Trong trường hợp người kháng cáo rút một phần trong kháng cáo của mình hoặc có nhiều người kháng cáo, nhưng có người rút kháng cáo, có người không rút kháng cáo, VKS rút một phần kháng nghị trong
kháng nghị của mình, thì cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp rút trước khi mở phiên toà, thì việc rút kháng cáo, kháng nghị đó phải được làm thành văn bản. Trường hợp người kháng cáo trực tiếp đến Toà án rút kháng cáo, thì Toà án cấp phúc thẩm yêu cầu người kháng cáo phải làm thành văn bản hoặc phải lập biên bản về việc rút kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của BLTTHS 2015. Văn bản rút kháng cáo, kháng nghị và biên bản về việc rút kháng cáo phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Phần kháng cáo, kháng nghị đã bị rút được coi như không có kháng cáo, kháng nghị.
+ Trường hợp rút tại phiên toà, thì việc rút kháng cáo, kháng nghị đó phải được ghi vào biên bản phiên toà. Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với phần kháng cáo, kháng nghị còn lại.
Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 345 và khoản 2 Điều 357 của BLTTHS 2015.
Kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Tòa án sơ thẩm.
Việc kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm có thể được tiến hành đối với cả bản án của Tòa sơ thẩm và các quyết định khác của Tòa án. Theo quy định của BLTTHS, VKS cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ được quyền kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định của Tòa án là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Kháng cáo, kháng nghị là những quy định không thể thiếu trong luật tố tụng hình sự. Để đảm bảo quyền lợi cho công dân, tính chính xác của hoạt động xét xử và pháp chế xã hội chủ nghĩa, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về kháng cáo, kháng nghị theo hướng chi tiết hơn, dự trù trước những tình huống có thể xảy ra trên thực tế, giúp các chủ thể có thẩm quyền áp dụng dễ dàng hơn.