Phân tích những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999?
– Thứ nhất: Sửa đổi một số nội dung đối với các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mà BLHS năm 1999. Cụ thể như sau:
Về trường hợp phòng vệ chính đáng (Điều 22) và tình thế cấp thiết (Điều 23) có đảo cụm từ “vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác” lên trước cụm từ “lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức” trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Cũng tương tự như trên, cụm từ “vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác” lên trước cụm từ “lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức” trong trường hợp tình thế cấp thiết. Việc đảo vị trí của quyền hoặc lợi ích chính đáng (quyền hoặc lợi ích hợp pháp) của con người, của công dân lên trước lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức là phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, ưu tiên bảo vệ quyền con người, quyền công dân – “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14 Hiến pháp).
– Thứ hai: So với BLHS năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung ba trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đó là: (1) gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; (2) rủi ro trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; (3) thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (các Điều 24, 25, 26). Cụ thể như sau:
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội: Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp để bắt giữ tội phạm thì người bắt giữ buộc phải dùng vũ lực cần thiết để khống chế và tất yếu dẫn đến gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 chưa có quy định cụ thể loại trừ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này, chưa tạo được cơ chế hữu hiệu, tích cực cho việc đấu tranh ngăn chặn và chống tội phạm. Việc bổ sung quy định như vậy là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ: Việc BLHS năm 2015 bổ sung quy định này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Bảo đảm chắc chắn cho những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, động viên các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến vì sự phồn vinh của đất nước, nếu đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp đề phòng sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên: Theo quy định này thì người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ ba điều kiện sau đây:
Một là, mệnh lệnh phải là của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội nhân dân và công an nhân dân).
Hai là, việc thi hành mệnh lệnh đó là để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Ba là, người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó
Bài tập tình huống
– Bài tập tình huống: Ngày 11/04/2014, Trần Hoàng V, sinh ngày 10/06/1999, bị Toà án nhân dân huyện B, tỉnh N xét xử về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự và tuyên phạt 03 năm tù (ngày phạm tội 07/02/2014 và bị khởi tố, bắt tạm giam cùng ngày). Đến ngày 07/02/2017, V chấp hành xong hình phạt tù và trở về địa phương nơi cư trú tại huyện B (V không có tiền sự). Do không có tiền tiêu xài nên ngày 15/04/2017, V lấy trộm một chiếc xe đạp điện qua định giá có giá trị là 1.800.000 đồng của chị Nguyễn Thị H thì bị phát hiện, thu hồi lại xe, trả lại cho chị H.
Ngày 10/05/2017, Cơ quan điều tra huyện B khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hoàng V về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999.
Hỏi: Theo anh/chị, việc khởi tố của Cơ quan điều tra huyện B đối với V là đúng hay sai. Vì sao?
Đáp án bài tập tình huống:
Cơ quan điều tra huyện B khởi tố đối với Trần Hoàng V là sai. Vì hành vi của V không phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Lý do:
– V đã được xoá án tích về tội “Cướp giật tài sản”, vì khi bị kết án thì V là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nên đã được xoá án tích theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/06/2016 của Quốc hội nên phải được áp dụng đối với V khi xem xét việc khởi tố.
– Hành vi của V trộm cắp xe đạp điện có giá trị 1.800.000 đồng là không đủ định lượng cấu thành tội phạm, trong khi V không có tiền án, tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản nên hành vi của V không phạm tội.