Phụ lục
- Thông báo rút kinh nghiệm số 894/TB-VKSTC ngày 21 tháng 11 năm 2019 về Vụ án hình sự bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy án để xét xử sơ thẩm lại về phần trách nhiệm dân sự
- I. Nội dung vụ án và quá trình tố tụng
- II. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
- 1. Không xác định cụ thể phần trách nhiệm dân sự phải bồi thường của các bị cảo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- 2. Xác định trách nhiệm bồi thường dân sự không đúng quy định của pháp luật
Thông báo rút kinh nghiệm số 894/TB-VKSTC ngày 21 tháng 11 năm 2019 về Vụ án hình sự bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy án để xét xử sơ thẩm lại về phần trách nhiệm dân sự
Ngày 9/5/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Trần Thị Bạch Huệ, Trần Thị Kim Luyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Minh Bảo, Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh, Nguyễn Phương Giang, Châu Thùy Dương phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” ở thành phố cần Thơ. Trên cơ sở kết quả giám đốc thẩm, Vụ Thực hành quyền công tố và kiếm sát xét xử hình sự (Vụ 7) thông báo, yêu cầu Viện kiểm sát các địa phương rút kinh nghiệm về việc giải quyết trách nhiệm dân sự, cụ thể như sau:
I. Nội dung vụ án và quá trình tố tụng
Trần Thị Bạch Huệ là chủ doanh nghiệp Dịch vụ, Thương mại và Du lịch Thuý Nga, trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ. Tháng 8/2009, lợi dụng quan hệ quen biết với một số cán bộ Ngân hàng Thương mại Cô phân Việt Á Chi nhánh Cần Thơ, thông qua hoạt động cho vay, Huệ đã nhận thế chấp quyền sử dụng đất của nhiều người; yêu cầu những người thế chấp ký ủy quyền, hoặc chuyển nhượng cho nhiều người khác do Huệ thuê đứng tên để những người này tiếp tục thế chấp vào ngân hàng vay tiền theo yêu câu của Huệ. Sau khi giải ngân, những người do Huệ thuê đứng tên vay đều phải giao tiền lại cho Huệ sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau khi vay được tiền, Huệ viện cớ hoàn tất thủ tục sang tên để mượn lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rồi sử dụng các giấy này tiếp tục thế chấp để vay tiền ở nơi khác, chuyển nhượng cho người khác. Ngoài ra, để thực hiện mục đích chiêm đoạt tài sản, Huệ còn làm giả giây đăng ký xe ô tô và mang đi cầm cố. Tổng số tiền Huệ đã chiêm đoạt của Ngân hàng thương mại Cô phân Việt Á và các tổ chức, cá nhân khác là 64.259.800.475 đồng và 600 chỉ vàng SJC.
Trần Thị Kim Luyến biết rõ các tài sản thế chấp cho Ngân hàng do Huệ nhận cầm cố, thế chấp của người khác, không phải Huệ nhận chuyển nhượng và Huệ cũng không có quyền định đoạt đối với các tài sản này, nhưng vẫn tích cực giúp sức cho Huệ trong việc chiếm đoạt khoản tiền 4.270.000.000 đông của Ngân hàng Việt Á và 2 tỷ đồng của ông Trần Văn Mãi.
Nguyễn Minh Bảo, Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh, Nguyễn Phương Giang và Châu Thùy Dương là cán bộ tín dụng thuộc Phòng giao dịch An Nghiệp và An Phú của Ngân hàng Việt Á cần Thơ, biết rõ những quy định về nghiệp vụ, tài chính, tín dụng nhưng khi lập các hợp đồng thế chấp, cho vay, đã không thẩm định thực tế nguồn gốc, giá trị tài sản thế chấp, định giá tài sản thế chấp không có căn cứ, nhận tài sản thế chấp khi chưa làm thủ tục sang tên, chưa công chứng việc thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo, không mua bảo hiểm, cho vay vượt mức quy định, không tra cứu CIC, bất động sản là đất nông nghiệp không có lối vào nhưng vẫn cho giải ngân; đồng thời, cho Trần Thị Bạch Huệ mượn lại tài sản thế chấp khi chưa giải chấp. Các bị cáo này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Việt Á Chi nhánh cần Thơ số tiền 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng SJC.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm, số 35/2014/HSST ngày 01/10/2014, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 3 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 50 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Thị Bạch Huệ tù Chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“, 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Huệ phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tù Chung thân; Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Thị Kim Luyến 7 năm tù vè tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“; Áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Nguyễn Phương Giang 17 năm tù, Nguyễn Minh Bảo 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; Áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53 Bộ luật Hình sự, xử phạt Châu Thùy Dương 6 năm tù, Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Về trách nhiệm dân sự, áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; các Điều 122, 127, 325, 343, 350, 604, 605, 616, 717, 719 Bộ luật Dân sự; các Điều 300, 301, 302 Luật Thương mại; các Điều 91, 95 Luật Tín dụng, buộc các bị cáo cùng liên đới bồi thường thiệt hại cho Ngân hàng Việt Á, cụ thể như sau: Trần Thị Bạch Huệ phải bồi thường trước và bồi thường toàn bộ vốn và lãi là 107.419.332.077 đồng và 849,838 chỉ vàng SJC; Trần Thị Kim Luyến phải bồi thường trong khoản 4.270.000.000 đồng sau khi Huệ hết khả năng bồi thường; Nguyễn Minh Bảo, Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh bồi thường trong khoản 14.324.470.353 đồng và 849,838 chỉ vàng SJC khi Huệ hết khả năng bồi thường; Nguyễn Phương Giang, Châu Thùy Dương bồi thường trong khoản 93.094.861.724 đồng sau khi Huệ hết khả năng bồi thường; Nguyễn Phương Giang phải bồi thường riêng khoản 3.135.000.000 đồng sau khi Huệ hết khả năng bồi thường. Ngoài ra, Trần Thị Bạch Huệ còn phải bồi thường cho các tổ chức, cá nhân khác số tiền 3.810.039.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Trần Thị Bạch Huệ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự; Nguyễn Minh Bảo,Trần Thị Kim Luyến, Nguyễn Phương Giang, Châu Thùy Dương kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 317/2015/HSPT ngày 28/5/2015, Tòa án nhân dân câp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Thị Bạch Huệ, Trần Thị Kim Luyến, Nguyễn Minh Bảo, Châu Thùy Dương, giữ nguyên quyết định về hình phạt tại bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đối với các bị cáo này. Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Phương Giang, áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Nguyễn Phương Giang 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tồ chức tín dụng
Chấp nhận kháng cáo của Trần Thị Bạch Huệ, Châu Thùy Dương, sửa án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điêu 76 Bộ luật tố tụng Hình sự; Điều 122, 127, 137 Bộ luật Dân sự, buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Ngân hàng Việt Á chi nhánh cần Thơ số tiền 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng SJC, cụ thể:
Trần Thị Bạch Huệ phải bồi thường trước và bồi thường toàn bộ số tiền và vàng nêu trên; Trần Thị Kim Luyến liên đới bồi thường 4.270.000.000 đồng sau khi Huệ không còn khả năng bồi thường, bị cáo Giang phải bồi thường trước bị cáo Dương; các bị cáo Nguyễn Phương Giang và Châu Thùy Dương liên đới bồi thường số tiền 35.871.682.000 đồng, khi bị cáo Huệ không còn khả năng bồi thường; các bị cáo Nguyễn Minh Bảo và bị cáo Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh phải bồi thường 6.617.600.545 đồng và 600 chỉ vàng SJC khi Huệ không còn khả năng bồi thường, bị cáo Bảo phải bồi thường trước bị cáo Khánh; bị cáo Nguyên Phương Giang phải bồi thường riêng khoản 3.135.000.000 đồng sau khi bị cáo Huệ không còn khả năng bồi thường.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/2018/KN-HS ngày 12/4/2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 317/2015/HSPT ngày 28/5/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2014/HSST ngày 01/01/2014 của Tòa án nhân dân thành phố cần Thơ về phần trách nhiệm dân sự của các bị cáo Trần Thị Bạch Huệ, Trần Thị Kim Luyến, Nguyễn Phương Giang, Nguyễn Minh Bảo, Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh, Châu Thùy Dương, để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 15/2018/HS-GDT ngày 9/8/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quyết định hủy phần quyết định trách nhiệm dân sự của Bản án hình sự phúc thẩm số 317/2015/HSPT ngày 28/5/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và phần quyết định trách nhiệm dân sự của Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2014/HSST ngày 01/10/2014 của Tòa án nhân dân thành phố cần Thơ để xét xử sơ thẩm lại.
II. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
1. Không xác định cụ thể phần trách nhiệm dân sự phải bồi thường của các bị cảo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại; trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
Trong vụ án này, Trần Thị Bạch Huệ đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Thương mại cồ phần Việt Á với số tiền là 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng; trong đó, Trần Thị Kim Luyến giúp sức cho Huệ chiếm đoạt 4.270.000.000 đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Trần Thị Kim Luyến phải liên đới cùng Trần Thị Bạch Huệ bồi thường số tiền 4.270.000.000 đồng là đúng. Tuy nhiên, Tòa án không căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo đối với hậu quả gây ra để xác định cụ thể phần bồi thường của từng bị cáo. Việc Tòa án quyết định Trần Thị Kim Luyến phải bồi thường “sau khi Trần Thị Bạch Huệ hết khả năng bồi thường” là không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn cho việc thi hành án.
2. Xác định trách nhiệm bồi thường dân sự không đúng quy định của pháp luật
Các bị cáo Nguyễn Minh Bảo, Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh, Nguyễn Phương Giang và Châu Thùy Dương bị kết án về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, không phải là đồng phạm với Trần Thị Bạch Huệ về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, các bị cáo này không có trách nhiệm liên đới cùng Huệ bồi thường số tiền mà Huệ đã chiếm đoạt của Ngân hàng Việt Á. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo này phải cùng Trần Thị Bạch Huệ liên đới bồi thường cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Kiểm sát viên không phát hiện ra những sai lầm trong việc tuyên trách nhiệm bồi thường dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để khắc phục kịp thời là thiếu sót cần phải rút kinh nghiệm.
Vụ 7 đề nghị Viện kiểm sát các địa phương tổ chức nghiên cứu, tham khảo, rút kinh nghiệm chung trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự./.