Tổng hợp câu hỏi lý thuyết về luật tố tụng hình sự và luật hình sự
Câu 1: Phân biệt lỗi cố ý trực tiếp với lỗi cố ý gián tiếp.
Đáp án:
– Nêu khái niệm về lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015
Nêu được 2 điểm khác cơ bản:
– Về lí trí:
+ Cố ý trực tiếp là: thấy trước hậu quả có thể xảy ra hoặc tất yếu xảy ra
+ Cố ý gián tiếp: thấy trước hậu quả có thể xảy ra.
+ Cố ý trực tiếp: mong muốn hậu quả xảy ra
+ Cố ý gián tiếp: tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Câu 2: Phân biệt tội phạm với vi phạm pháp luật khác.
Đáp án:
– Nêu khái niệm tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS 2015
– Nêu khái niệm về vi phạm pháp luật khác: là hành vi trái pháp luật và có lỗi do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện làm xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
– Phân tích sự khác nhau về 3 nội dung:
+ Nội dung chính trị xã hội: tội phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội, còn vi phạm khác có tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể;
+ Hình thức pháp lí: Tội phạm qui định trong Bộ luật hình sự, còn vi phạm khác được qui định trong các văn bản pháp luật của các ngành luật khác;
+ Hậu quả pháp lí: Tội phạm phải chịu hình phạt – biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước theo quy định của Bộ luật hình sự; còn vi phạm pháp luật khác chịu các biện pháp cưỡng chế khác ít nghiêm khắc hơn theo quy định của từng ngành luật cụ thể.
Câu 3: Hãy nêu sự khác nhau giữa tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung tăng nặng?
Đáp án:
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm HS Đ 48 BLHS.
– Được quy định tại điều luật phần chung
– Được áp dụng đối với mọi tội phạm
– Làm tăng hình phạt trong một khung
Tình tiết định khung tăng nặng
– Được quy định tại điều luật phần các tội phạm
– Được áp dụng đối với tội phạm có quy định tình tiết đó
– Trong việc định tội danh, tình tiết này được xác định sau khi đã xác định được tình tiết định tội và tình tiết định khung.
Câu 4:
Đồng chí hãy cho biết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tạm giữ có thể được áp dụng trong trường hợp nào? Nêu căn cứ, thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp? Những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc tạm giữ hình sự sau phải xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm?
Liên hệ thực tiễn tại đơn vị đồng chí mối quan hệ phối hợp công tác nhằm hạn chế thấp nhất việc tạm giữ hình sự sau phải xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm?
Đáp án:
* Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 86 và khoản 1,2 Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự
– Khoản 1 Điều 86 Bộ luật TTHS quy định.
Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
– Khoản 1,2 Điều 81 Bộ luật TTHS quy định.
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
2. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
* Giải pháp.
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (đặc biệt là những quy định mới); các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các hướng dẫn nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên về lĩnh vực hình sự như Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai… Qua đó để lãnh đạo và các kiểm sát viên có nhận thức rõ về tầm quan trọng của hoạt động kiểm sát việc bắt giữ hình sự; vì đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, liên quan đến quyền tự do của công dân. Chỉ có nắm chắc được các quy định này chúng ta mới thực hiện được tốt hoạt động kiểm sát việc bắt giữ hình sự.
Thứ hai: Đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong việc ký các quyết định phê chuẩn các quyết định bắt, giữ của cơ quan điều tra; đảm bảo các quyết định phê chuẩn (đặc biệt là quyết định phê chuẩn bắt khẩn cấp) đều đảm bảo có căn cứ rõ ràng và đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp cơ quan điều tra bắt giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn này thì kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra phải hủy bỏ; trường hợp cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ. Cùng với đó, lãnh đạo các đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra đối với kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc bắt, giữ để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong quá trình kiểm sát để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và khắc phục ngay.
Thứ ba: Đối với Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự thì phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đặc biệt là luật hình sự và luật tố tụng hình sự; phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên để nắm bắt được toàn bộ nội dung vụ việc và những thông tin, tài liệu liên quan đến người bị bắt. Từ đó kịp thời đề xuất với lãnh đạo đơn vị về căn cứ việc bắt, tạm giữ của cơ quan điều tra. Trường hợp qua kiểm sát thấy căn cứ bắt giữ của cơ quan điều tra là không đúng hoặc không cần thiết thì kiểm sát viên kịp thời thể hiện quan điểm của mình và báo cáo lãnh đạo đơn vị có hướng giải quyết.
Thứ tư: Tăng cường công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi Cơ quan điều tra bắt giữ; Cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát khi bắt giữ đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để kiểm sát viên gặp hỏi người bị bắt; đồng thời thường xuyên trao đổi, thống nhất để đảm bảo việc bắt giữ là có căn cứ và phấn đấu tất cả các trường hợp bắt, giữ phải bị xử lý hình sự (trừ những trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại). Ở đây chúng ta phải xác định công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có ý nghĩa quan trọng, có tính quyết định đến việc bắt giữ sau đó xử lý hình sự hay xử lý hành chính. Chính vì vậy đòi hỏi hai cơ quan phải có sự phối hợp thực chất trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành thông qua các vụ việc cụ thể, thông qua các cuộc họp liên ngành… để cả hai đơn vị đều có sự thống nhất từ nhận thức đến việc thực hiện những hoạt động tố tụng cụ thể.
Thứ năm: Xử lý nghiêm đối với cán bộ, lãnh đạo đơn vị nào để xảy ra vi phạm trong bắt, giữ hình sự. Đồng thời tăng cường công tác thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành đối với những vi phạm trong công tác bắt, giữ hình sự để các đơn vị rút kinh nghiệm tránh mắc phải.
Thứ sáu: Các đơn vị phải lấy kết quả công tác kiểm sát việc bắt, giữ hình sự làm tiêu chí cho việc đánh giá, bình xét thi đua đối với tập thể và cá nhân vào dịp cuối năm.